(HNM) - Trong khi các đồng tiền khác không ngừng biến động, thì VND lại được đánh giá là giữ giá ổn định từ đầu năm đến nay, góp phần giúp cho tỷ giá khá ổn định. Từ nay đến cuối năm, trước những biến động của tình hình chính trị cũng như kinh tế thế giới, tỷ giá được dự báo có thể sẽ tăng, nhưng mức tăng không nhiều.
VND ổn định
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm đến nay, trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường. Thanh khoản thị trường được bảo đảm, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Ngân hàng Nhà nước mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Những ngày cuối tuần qua, tỷ giá trung tâm của VND so với USD được Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn quanh ngưỡng 23.000-23.200 VND, tức là không tăng đáng kể so với những phiên giao dịch trước trong tháng 10. Nhờ đó, tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào với mức 23.200 VND/USD - bán ra 23.802 đồng. Còn tỷ giá được giao dịch ở các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 23.140 VND/USD (mua vào) và 23.260 VND/USD (bán ra). Tính từ đầu năm 2019 đến nay, trong hệ thống ngân hàng tăng 35 VND/USD ở cả 2 chiều mua và bán.
Khác với thị trường Việt Nam, trên thị trường thế giới, tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 99,06 điểm (1 EUR đổi 1,0981 USD; 107,38 yên Nhật đổi 1 USD và 1,2218 USD đổi 1 bảng Anh).
Trong bối cảnh thế giới biến động, chính trị bất ổn ở một số quốc gia, giới đầu tư lại tiếp tục tìm đến USD để bảo toàn nguồn vốn. Theo ông Hà Huy Cường, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank), chắc chắn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có những giải pháp để kìm hãm sự biến động tỷ giá. Thực tế cho thấy, thời gian qua, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá mạnh, nhưng VND khá ổn định, nếu dao động cũng chỉ trong biên độ nhỏ. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp để kiềm chế sự mất giá VND là chắc chắn.
Ngoài ra, đây là giải pháp để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có các ngành hàng ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là qua thị trường Trung Quốc có kim ngạch nhập khẩu phù hợp, không quá lớn để ảnh hưởng đến tỷ giá. Ông Hà Huy Cường cũng dự báo tỷ giá USD/VND cuối năm 2019 sẽ không cao hơn với cuối năm 2018.
Điều hành linh hoạt, thận trọng
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Tổng Giám đốc Trường Doanh nhân Bizlight cho rằng, có nhiều vấn đề để giúp tỷ giá USD/VND ổn định từ nay đến cuối năm 2019. Đó là tỷ giá USD/VND vẫn được tính toán dựa trên tỷ giá trung tâm, cán cân tương đối lớn của nền kinh tế Việt Nam và chỉ số vĩ mô kinh tế - chính trị - xã hội trên thế giới. Riêng cấu phần về tỷ giá trung tâm, do được xác định dựa trên các đồng ngoại tệ có tỷ trọng giao thương về nền kinh tế - thương mại tương đối lớn, trong đó có CNY (nhân dân tệ) và USD, nên thời gian qua, tỷ giá trung tâm chịu áp lực lớn trước sự phá giá của CNY và các đồng ngoại tệ khác đồng loạt giảm giá.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Bùi Quang Tín nhấn mạnh: “Nhờ chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, thận trọng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng VND vẫn giữ ổn định. Có thể thấy trên bảng giá ngoại tệ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), từ đầu năm đến nay, tỷ giá chỉ tăng nhẹ. Từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ ổn định và không tăng quá mức 2,5-3%, đây được xem là mức tăng hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất, mặt bằng tăng trưởng tín dụng và mục tiêu về lạm phát”.
Trao đổi về tỷ giá, ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Viết Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty EMTC cho rằng, sự ổn định của tỷ giá hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất. Hầu hết các doanh nghiệp đều dành riêng nguồn vốn để dự phòng cho những biến động của tỷ giá, nhưng trong 1-2 năm gần đây đã không phải sử dụng nhiều đến các khoản dự phòng này. Ngoài ra, tỷ giá ổn định cũng giúp các chi phí sản xuất, hàng hóa không bị tăng giá, giúp doanh nghiệp trong nước có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Hồ Viết Tâm cũng dự báo: “Những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, tỷ giá không biến động mạnh, bởi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có công cụ giúp neo giữ tỷ giá”.
Còn ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đã nhận định, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách ngoại hối vừa qua và hiện nay rất hợp lý. Dù các quốc gia phá giá, hay tăng giá đồng nội tệ, Việt Nam giảm giá hay tăng giá đều tính trên tổng thể chung của nền kinh tế. Không thể lấy tỷ giá làm công cụ thúc đẩy xuất khẩu. Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Riêng với tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.