(HNM) - Có một đối tác, dù mới xuất hiện nhưng đã nhanh chóng nổi lên, chiếm ngôi vị là thị trường nhập khẩu số 1 của hàng hóa Việt Nam, đó là Hoa Kỳ.
Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Mỹ, Hoa Kỳ đang nổi lên là thị trường chiến lược, lớn nhất của cộng đồng DN trong nước. Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của hàng Việt sang thị trường này tăng trưởng bình quân rất cao và đạt 23 tỷ USD trong năm 2013. Một số mặt hàng chủ lực, ghi đậm dấu ấn tại Hoa Kỳ gồm: Hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, giày dép, cà phê… trong đó, Việt Nam luôn chiếm vị thế là bên xuất siêu, tức là chiếm ưu thế trong quan hệ thương mại song phương. Đáng quan tâm nữa là, do cơ cấu hàng xuất khẩu của ta khá đặc trưng và không hề tương tự như sản phẩm của DN Hoa Kỳ nên sẽ không bao giờ rơi vào tình thế "đụng hàng". Điều đó có nghĩa là cộng đồng DN trong nước ta vẫn sẽ luôn có điều kiện để tiếp tục mục tiêu mở rộng quy mô xuất khẩu trong thời gian tới.
Sản phẩm dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Ky. Ảnh: Nhật Nam |
Thực tế cho thấy, quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà cả hai nước đang tham gia có thể kết thúc thành công trong năm 2015, khi đó cánh cửa thị trường sẽ càng rộng mở, với sức hút rất lớn và liên tục từ phía các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Cơ quan chức năng dự báo sau khi TPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt sang thị trường này có thể tăng đến hơn 30%/năm, đồng thời cũng nhận định Việt Nam là đối tác được hưởng lợi nhất sau khi tham gia TPP. Nhờ gia tăng mạnh mẽ về xuất khẩu các DN Việt sẽ đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế; nhất là về đóng góp nguồn ngoại tệ, cải thiện cán cân xuất - nhập khẩu đồng thời chia sẻ, bù đắp cho những thị trường mà nước ta đang phải nhập siêu.
Xét rộng hơn, việc giá trị xuất khẩu tăng nhanh cũng sẽ trực tiếp thúc đẩy tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng về xuất khẩu và tạo ra sự tăng trưởng GDP. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ mỗi đơn vị làm hàng xuất khẩu cần tăng cường tìm hiểu thị trường Hoa Kỳ, nhất là đặc điểm về thị hiếu, tập quán sử dụng "hàng sạch" với yêu cầu rất cao về chất lượng hàng hóa cũng như tính an toàn trong sử dụng. Mặt khác, DN Hoa Kỳ cũng đặt ra những yêu cầu, nguyên tắc tuân thủ pháp luật, bảo vệ môi trường cũng như các vấn đề liên quan đến lao động đối với nhà xuất khẩu. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, DN Việt cần nhanh chóng tìm hiểu thông tin, quy mô thị trường, sức mua và các quy định pháp lý liên quan để có thể chủ động mở rộng thị phần ở thị trường hấp dẫn, quy mô lớn nhất thế giới này…
Tuy nhiên, không hẳn con đường phía trước là hoàn toàn thuận lợi nếu bản thân mỗi DN Việt không tìm hiểu rõ thị trường mới, đặc biệt là phải "biết mình là ai". Cụ thể, Hoa Kỳ là thị trường khổng lồ, với nhu cầu nhập khẩu thường xuyên và rất lớn, có sức mua hàng đầu thế giới nhưng lại đòi hỏi rất cao đối với tiêu chuẩn hàng nhập khẩu. Đơn cử như Ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) vừa ra quyết định cuối cùng về việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa nhập khẩu từ Việt Nam. Ít nhất trong 5 năm tới, sản phẩm cá da trơn của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ vẫn sẽ bị áp thuế này. Cần lưu ý rằng đây không phải lần đầu cá tra, cá basa của Việt Nam bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá. Đáng nói là do điểm xuất phát thấp, trình độ sản xuất chưa cao nên DN Việt hiện vẫn bị động trong quá trình xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ông Stuart Schaag - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, khuyến nghị, DN Việt muốn kinh doanh tại thị trường Hoa Kỳ cần xác định được khách hàng tiềm năng của mình, chủ động hình thành mẫu hàng và hướng tới phân khúc thị trường mà mình có sở trường, phù hợp với khả năng tiếp thị, tài chính cũng như năng lực của DN. Đặc biệt, giới DN Hoa Kỳ làm ăn rất bài bản, tuân thủ pháp luật cũng như thường tham gia vào hiệp hội ngành nghề mà mình hoạt động. Do vậy, DN Việt Nam có thể tìm hiểu, thu thập thông tin chính thức từ hệ thống thông tin, trang web của mỗi hiệp hội, hoặc đề nghị hợp tác, hỗ trợ, thậm chí đề nghị tư vấn. Bên cạnh đó, DN Việt cần chủ động tham gia một số hội chợ, triển lãm tổng hợp hoặc chuyên ngành để trực tiếp nắm bắt đặc điểm, tập quán, thị hiếu của khách hàng ở ngay môi trường của họ.
Các chuyên gia đã chỉ ra một điểm yếu của DN Việt, đó là chưa tỏ tường các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, nhất là quy định an toàn đối với sức khỏe người sử dụng. Đơn cử, một nhà xuất khẩu thủy sản phải nắm rõ, tỷ lệ dư lượng kháng sinh trong sản phẩm xuất khẩu ở mức bao nhiêu sẽ vượt ngưỡng cho phép… Nếu DN không nắm rõ những quy định này sẽ có nguy cơ phải trả giá bằng việc bị khách hàng tẩy chay hàng hóa, phải mất tiền để mang hàng đi tiêu hủy hoặc chuyển về nước… Ngoài ra, việc chuẩn bị sẵn giấy tờ, chứng từ xác nhận nguồn gốc hàng hóa là điều không thể bỏ qua. Một cảnh báo nữa là DN không thể tìm cách lách luật, phớt lờ các quy định hoặc tập quán thương mại hiện đại. Cụ thể, khi thực hiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ, DN phải đáp ứng 2 yêu cầu là vận tải và bảo hiểm; tức làm sao chọn được phương án vận chuyển hàng nhanh, bảo đảm an toàn kết hợp với việc tìm được hãng bảo hiểm đủ uy tín, giàu kinh nghiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.