Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường điện ảnh: “Cá lớn nuốt cá bé”

Nguyễn Ngọc Tiến| 12/10/2010 07:33

(HNM) - Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, phim nhập khẩu từ Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu không còn, ngành chiếu bóng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hoạt động cầm chừng, chủ yếu chiếu phim Việt Nam, phim Trung Quốc và phim theo dạng trao đổi văn hóa. Rất nhiều rạp phải đóng cửa

Khán giả xếp hàng mua vé xem phim tại Megastar.


Thống lĩnh thị trường, vô tư… áp giá
Trước sự hạn chế nguồn phim cho dân xem, ngày 4-6-2002, Chính phủ cho phép tư nhân được sản xuất và phổ biến phim. Quyết định này đã mở ra một thời kỳ mới cho điện ảnh Việt Nam mà trước đó chỉ có các hãng phim quốc doanh mới có quyền sản xuất và chỉ có Fafilm mới có quyền nhập. Khi đàm phán gia nhập WTO, nhiều người hoạt động văn hóa đã cảnh báo, cẩn trọng khi đàm phán về điện ảnh vì Hollywood như con sói còn điện ảnh các nước đang phát triển như con cừu, làm sao có thể để sói và cừu cùng qua sông trên một con thuyền. Song chúng ta đã dễ dàng chấp nhận quá. Hiện tại, cả nước có khá nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và phát hành phim trong đó có cả liên doanh với nước ngoài, tuy nhiên hơn 90% phim nhập từ nước nằm trong tay 4 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Truyền thông Megastar (liên doanh giữa Công ty Văn hóa Phương Nam - 10% và Công ty Envoy Media Limited của British Virgin Island - 90%), Công ty cổ phần Phim Thiên Ngân (Galaxy), Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) và Công ty TNHH Lotte Cinema Việt Nam. Song trong 4 doanh nghiệp thì Megastar nhập nhiều nhất bởi doanh nghiệp này ký hợp đồng độc quyền được với 4/5 hãng phim của Hollywood là Walt Disney Studios, Paramount/Dreamworks, Universal Pictures, Fox theo hình thức lãi cùng hưởng, lỗ cùng chịu. Tất nhiên phim họ nhập hầu hết là phim Mỹ. Ngày 26-4-2006, Megastar khai trương cụm rạp đầu tiên tại Hà Nội. Theo thống kê, năm 2009, cả nước nhập 106 phim thì riêng Megastar nhập 50 phim nhựa, như vậy Megastar chiếm gần 50% số lượng phim nhập vào Việt Nam. Hãng phim Thiên Ngân ký hợp đồng với Warner Bros/Sony nhập khoảng 20-30 phim/năm, còn lại Lotte Cinema (chủ yếu nhập phim Hàn Quốc) và BHD nhập ủy thác qua một công ty trong nước. Hiện tại Megastar sở hữu 6 cụm rạp với trên 7.000 chỗ ngồi. Không thể phủ nhận là Megastar có công kéo khán giả trở lại rạp nhiều hơn, nhất là khán giả trẻ. Chính vì thế mà trong mấy năm qua tăng trưởng của ngành phát hành phim luôn ở mức trên 70%. Năm 2008, lợi nhuận của cả thị trường là 12 triệu USD thì Megastar chiếm 7 triệu USD. Năm 2009 còn cao hơn vì riêng phim bom tấn "Avatar" đã mang lại cho Megastar doanh thu 1 triệu USD.

Phim do Megastar nhập về, ngoài chiếu trong hệ thống, Megastar còn cho các rạp thuê phim để chiếu và trước tháng 12-2008, giá thuê phim được xác định theo phương thức dựa trên sự phân chia doanh thu bán vé theo tỷ lệ phần trăm (hay còn gọi là phương thức phân chia theo tỷ lệ), còn giá vé do rạp quyết định. Câu chuyện giữa Megastar và các rạp ngoài hệ thống của họ bắt đầu khác khi họ thay đổi chính sách. Từ cuối tháng 12/2008 - 5/2009, giá thuê phim vẫn tiếp tục được xác định theo phương thức phân chia tỷ lệ, tuy nhiên giá vé bán cho người xem bắt đầu bị Megastar áp đặt và các rạp không có quyền đặt giá vé rồi báo cho Megastar như trước nữa. Đầu từ tháng 6-2009, lấy lý do hạn chế rủi ro, Megastar bắt đầu áp dụng chính sách "Giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem" (Minimum-Per-Cap) thay vì phương thức phân chia theo tỷ lệ như trước để xác định giá thuê phim. Nếu mức Minimum-Per-Cap nhỏ hơn 25.000 đồng các rạp ngoài Megastar phải trả phần chênh lệch còn thiếu, ngược lại nếu mức Minimum-Per-Cap cao hơn 25.000 đồng, Megastar được hưởng mức giá được xác định tương tự theo phương thức phân chia theo tỷ lệ. Với chính sách này, tuy không áp đặt giá vé cho các rạp thuê phim của mình nhưng đã đẩy các rạp chuyên phục vụ khán giả bình dân không chịu nổi vì nếu tăng giá vé sẽ không có khán giả mà để nguyên giá vé thì lỗ. Còn không chấp nhận thì Megastar không cung cấp phim, như thế các rạp sẽ không thể hoạt động. Vì sao Megastar áp dụng luật chơi mới này? Câu trả lời là vì họ ở vị trí thống lĩnh thị trường nhập khẩu và phát hành phim.

Bài chơi của Megastar có phạm luật?
Trước cuộc chơi do Megastar áp đặt, các doanh nghiệp điện ảnh trong nước liên tục yêu cầu Megastar đàm phán nhưng đã không nhận được sự hợp tác hay phản hồi nào từ phía Megastar ngoài việc họ vẫn kiên quyết buộc các doanh nghiệp phải chấp nhận các yêu cầu của mình. Không chịu nổi lối chơi không lành mạnh, ngày 17-3-2010, 6 doanh nghiệp bao gồm: Công ty cổ phần Sài Gòn Điện ảnh (Cinebox Hòa Bình), Công ty cổ phần Điện ảnh 212 (Cinebox Lý Chính Thắng), Công ty cổ phần Truyền thông điện ảnh Sài Gòn (cụm rạp Đống Đa, Thăng Long, Toàn Thắng, Vinh Quang), Công ty cổ phần Phim Thiên Ngân (cụm rạp Galaxy), Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội (cụm rạp Tháng Tám), Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai (rạp Thanh Bình và Sông Phố)    đã cùng đệ đơn cầu cứu lên Cục quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương). Đầu tháng 4-2010, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT&DL Cục Điện ảnh đã tổ chức cuộc gặp với 6 doanh nghiệp có đơn khiếu nại, tham dự còn có cả Trung tâm Chiếu phim quốc gia để nghe trình bày. Sau đó các cơ quan trên cũng đã có buổi làm việc với Megastar. Ngày 25-6-2010, tại trụ sở của Cục Điện ảnh, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Vụ Pháp chế Bộ VH-TT&DL, Thanh tra Bộ VH-TT&DL, Cục quản lý Cạnh tranh đã có buổi làm việc với 6 doanh nghiệp đứng đơn và Megastar. Tại buổi họp này, bà Phan Thị Lệ, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Megastar hứa sẽ thay đổi nhưng cho đến nay vẫn không thấy động thái gì. Trước sự bất hợp tác của Megastar, 6 doanh nghiệp này tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Cục quản lý Cạnh tranh và được cơ quan này chấp nhận thụ lý vụ việc. Theo đơn khiếu nại, các doanh nghiệp cho rằng Megastar vi phạm điều 4 Luật Cạnh tranh năm 2004 và vi phạm Nghị định 116/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15-9-2005 quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh. Cụ thể là Megastar là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường và có hành vi áp đặt giá bán hàng hóa... Theo thông tin mới nhất, Cục quản lý Cạnh tranh đang làm rõ hậu quả từ chính sách "Giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem".

Hậu quả từ độc quyền
Dù còn đang chờ đợi kết quả điều tra cuối cùng từ Cục quản lý Cạnh tranh nhưng thực tế cho thấy chính sách "Giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem" của Megastar đã tác động xấu đến các rạp. Tại Hà Nội, Megastar giữ độc quyền chiếu, không cho các rạp khác thuê phim trong 2-3 tuần đầu, nghĩa là họ vơ hết khách rồi mới tính chuyện cho các đơn vị khác thuê và như thế các rạp chiếu sau cũng chỉ là hớt váng. Điện ảnh Sài Gòn và Cinebox là rạp phục vụ chủ yếu cho khán giả bình dân và đặc biệt là sinh viên các trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh rơi vào hai tình huống: Nếu bán vé như giá cũ chắc chắn không đủ tiền chi cho các hoạt động của rạp còn tăng giá, khán giả sẽ bỏ sang rạp của Megastar vì chất lượng rạp Megastar tốt hơn. Để được chiếu "Transformers", các doanh nghiệp phải mua thêm "Kỷ băng hà 3", nếu các rạp  không chiếu phim này Megastar sẽ không ký thư xác nhận đặt mua phim "Transformers. Thực chất là bán "bia kèm lạc" nhưng Megastar yêu cầu các rạp thuê phim phải làm thành hai hợp đồng. Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai yêu cầu Megastar cung cấp phim để chiếu đợt 2 hoặc đợt 3 nhưng Megastar từ chối vì ở thành phố Biên Hòa có cụm rạp của họ. Trong buổi họp ngày 25-6-2010, ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia cũng phàn nàn rất khó tiếp cận phim hoạt hình của Megastar để chiếu cho thiếu nhi. Ngoài ra còn rất nhiều ví dụ khác nữa.

Rạp chiếu phim hiện nay ở Việt Nam chỉ tập trung ở khu vực nội thành của các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Biên Hòa, TP Hồ Chí Minh. Như vậy nhu cầu về phát triển rạp là rất lớn vì nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước hiện vẫn chưa có. Tuy nhiên, không doanh nghiệp nào dám mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực này. Ngay như các huyện ngoại thành ở TP Hồ Chí Minh đông dân cư, thu nhập còn hơn các vùng nông thôn khác nhưng cũng không ai dám bỏ tiền xây rạp. Nếu xây rạp xong mà bị áp đặt kiểu như Megastar đang xử sự với các rạp hiện nay    thì bao giờ thu hồi được vốn đầu tư ?

Thập niên 90 thế kỷ trước, giới điện ảnh Việt Nam có câu "Lý Huỳnh, Hai Nhất, Xuân Kỳ/Thiếu ba ông ấy làm gì có phim" Sở dĩ các ông Lý Huỳnh, Hai Nhất, Xuân Kỳ dám bỏ tiền làm phim (đội tên hãng quốc doanh) vì thời kỳ này số lượng phim nhập khẩu rất hạn chế, nghĩa là họ không lo sức ép các phim ngoại. Con số thống kê cho thấy số đầu phim nhựa sản xuất trong nước từ năm 2002 đến nay chỉ trên dưới 10 phim/năm, năm 2008 cả nước chỉ sản xuất vỏn vẹn có 6 phim nhựa. Không những ít, các hãng dù có tiềm lực cũng chỉ dám làm phim chiếu tết. Có nhiều nguyên nhân song nguyên nhân chính là các nhà sản xuất bé nhỏ của Việt Nam không dám đối đầu với các phim giải trí của Hollywood đủ thể loại hoành hành trên thị trường Việt Nam. Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2009 quy định phần góp vốn của nước ngoài trong sản xuất và phát hành không quá 51% nhưng chỉ với mấy doanh nghiệp có vốn nước ngoài đã được cấp phép trước khi Luật Điện ảnh sửa đổi cũng đủ làm cho các doanh nghiệp sản xuất và phát hành phim trong nước... mệt rồi. Và tình trạng nếu kéo dài thì chắc chắn Việt Nam không thể có một nền điện ảnh khi chỉ sản xuất dăm bảy phim giải trí một năm. Nhưng lớn hơn tất cả là nếu không giải quyết vụ việc này theo đúng luật pháp thì có còn không cái mà chúng ta vẫn hay nói: Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường điện ảnh: “Cá lớn nuốt cá bé”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.