(HNM) - Căn cứ vào các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, lạm phát, quy hoạch xây dựng đô thị, mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng, thị trường chứng khoán, lãi suất ngân hàng, thủ tục pháp lý về bất động sản (BĐS)... các chuyên gia dự báo, thị trường BĐS khởi sắc trong năm nay.
Theo dự đoán của các chuyên gia, những tháng cuối năm 2010, thị trường bất động sản sẽ dần hồi phục và phát triển. Ảnh: Đàm Duy |
Bốn yếu tố mang lại niềm tin
Theo dự báo, kinh tế nước ta năm nay có khả năng duy trì được mức độ phát triển bằng và cao hơn so với năm 2009. Mặc dù có ảnh hưởng trong những tháng đầu năm 2010, nhưng với những giải pháp điều hành kinh tế linh hoạt của Chính phủ, lạm phát được kỳ vọng sẽ ở mức không quá hai con số. Đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ ổn định và phát triển của thị trường BĐS trong năm 2010. Yếu tố thứ hai là việc Thủ đô Hà Nội sẽ hoàn thành đồ án quy hoạch chung xây dựng. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ điều chỉnh đồ án quy hoạch chung của thành phố và vùng lân cận. Tại các đô thị lớn khác, như Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có quy mô lớn đang được triển khai khẩn trương sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường BĐS. Yếu tố thứ ba, lãi suất cơ bản và lãi suất cho vay đầu tư BĐS của các ngân hàng thương mại đang ở mức cao, tới 18% trong quý I-2010, song việc Chính phủ đã cho phép các ngân hàng thương mại được chủ động điều chỉnh lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ tạo điều kiện để lãi suất cho vay đầu tư được điều chỉnh về mức thích hợp (khoảng 11-13%/năm), tạo ra không khí sôi động hơn cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, nếu việc mở rộng tín dụng một cách ồ ạt vào thị trường BĐS, nhất là phân khúc thị trường cao cấp, sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây ra hiện tượng "bong bóng" BĐS mới. Cuối cùng, với sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế, đầu năm 2010, thị trường chứng khoán đã phát đi tín hiệu khả quan. Chỉ số VN-Index vào đầu tháng 6-2010 đã đạt qua ngưỡng hơn 500 điểm là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của thị trường BĐS.
Thị trường BĐS tiếp tục đà phục hồi
Nhu cầu về BĐS, nhất là nhà ở, mặt bằng kinh doanh thương mại, diện tích văn phòng cho các công ty có quy mô vừa và nhỏ tiếp tục tăng. Trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là tâm điểm. Ước tính, nhu cầu nhà ở đô thị trong năm 2010 lên tới 62,5 triệu mét vuông sàn. Trái với tình trạng chung nhiều năm qua, năm 2010, nguồn cung cho thị trường BĐS được dự báo là dồi dào. Với nguồn cung nhà ở, dự báo năm 2010 sẽ có khoảng gần 90.000 căn hộ chào bán và khoảng hơn 80.000 căn hộ hoàn thành. Riêng nguồn cung BĐS nhà ở tại TP Hồ Chí Minh sẽ tăng lên nhanh chóng, nhất là vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai. Năm 2010, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm khoảng 8.500 căn hộ, trong đó tỷ lệ căn hộ giá thấp chiếm khoảng 37%. Tại Hà Nội, sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được thông qua, sẽ có nhiều dự án phát triển đô thị có quy mô lớn được khởi động góp phần tăng cung và bình ổn thị trường. Cùng với hàng trăm dự án đô thị khu vực phía tây đang triển khai, trên địa bàn các huyện thuộc phía đông, phía bắc Hà Nội như Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm... nhiều dự án đô thị, khu nhà ở tiếp tục được bổ sung. Riêng địa bàn huyện Mê Linh đang có gần 80 dự án khu đô thị, nhà ở triển khai, trong đó chiếm phân nửa là các dự án nhà ở, nhà vườn, biệt thự nhà vườn. Về nguồn cung văn phòng, năm 2010, tại Hà Nội có thêm khoảng 170.000m2 văn phòng đưa vào sử dụng; tại TP Hồ Chí Minh thêm khoảng 350.000m2. Đầu tư BĐS du lịch để nghỉ dưỡng đang trở thành làn sóng đầu tư mới ở thị trường BĐS Việt Nam.
Tiếp đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, thị trường BĐS sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng hiện nay là nhiều doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang phát triển nhà giá thấp, nhà bình dân để thu hút thêm khách hàng tiềm năng. Các dự án căn hộ có giá bán dưới 18 triệu đồng/m2 sẽ thu hút được sự quan tâm của người mua tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với sự dồi dào về nguồn cung, cung - cầu sẽ tương đối cân bằng trên thị trường, tạo cho người mua có nhiều cơ hội để lựa chọn trước khi đưa ra quyết định. Năm 2010 cũng có thể sẽ diễn ra sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào BĐS tại các khu vực lân cận TP Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ và Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hưng Yên... do có lợi thế về thị trường mới, mặt bằng giá BĐS thấp, quy hoạch các khu đô thị mới đồng bộ và các kế hoạch xây dựng các công trình kỹ thuật hạ tầng, hệ thống đường giao thông đang được triển khai...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.