Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường bán lẻ tăng nhanh

Lan Hương| 14/10/2014 15:38

(HNMO) - Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 2.145.470 tỷ đồng tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kinh tế Nhà nước chiếm 10,1% tổng số và tăng 8,4% kinh tế ngoài Nhà nước chiếm 86,5 % tăng 11,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,4% tăng 21,6%. Dự kiến cả năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sẽ đạt 2.970.3000 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2013.

Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị Intimex. Ảnh: Bảo Lâm


Đến cuối năm 2013, cả nước mới có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại các loại, 8.546 chợ các loại, khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình. Đến năm 2020, cả nước dự kiến sẽ có khoảng 1.200 đến 1.300 siêu thị; 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.

Tính riêng về thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội, khảo sát của Savills cho biết, trong quý 3/2014, tổng nguồn cung bán lẻ của Hà Nội tăng 2,2% theo quý và 22% theo năm. Thị trường ghi nhận hai dự án mới tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Trong quý 4/2014, thị trường sẽ có thêm 8 dự án mới với tổng diện tích bán lẻ trên 60.000 m². Dự kiến, sẽ có 14 dự án với trên 360.000 m² sẽ gia nhập thị trường Hà Nội trong tương lai. Đáng chú ý nhất là một dự án của Vingroup tại quận Đống Đa với diện tích bán lẻ trên 60.000 m². Giá cho thuê mặt bằng dự báo sẽ tiếp tục giảm do sự cạnh tranh cao của thị trường

Nhìn chung, người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ theo hướng hiện đại, hội nhập và yêu cầu ngày càng cao và đa dạng hơn, không chỉ mua sắm bình dân, tiết kiệm mà còn mua sắm các mặt hàng cao cấp, xa xỉ. Đối tượng mua sắm không chỉ là phụ nữ mà còn có sự lấn sân của nam giới. Chính vì vậy, ngành dịch vụ bán lẻ ở cấp độ doanh nghiệp và cấp độ quốc gia thực sự cần có một chiến lược cho sự phát triển.

Bên cạnh đó, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khách hàng khu vực Miền Bắc Nielsen Việt Nam cho biết: Xu hướng mua sắm hiện nay thiên về thương mại điện tử và công nghệ hiện đại. Các nhà bán lẻ Việt Nam cần tập trung quản lý ngành hàng và quan tâm đến các hình thức thẻ khách hàng thân thiết để bắt kịp với xu hướng phát triển kênh bán hàng hiện đại trong khu vực.

Bà Hà cũng khuyến cáo, nhà bán lẻ Việt Nam nên tập trung vào sản phẩm có thể sử dụng để củng cố hình ảnh, thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng; các chương trình khuyến mãi giúp nâng cao nhận biết của khách hàng; các sản phẩm ít nhạy cảm về giá cả, ít có sản phẩm thay thế. Bên cạnh đó, gia tăng thị phần và phát triển khách hàng là mục đích thúc đẩy kết quả kinh doanh của nhà sản xuất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bán lẻ tăng nhanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.