Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi tốt nghiệp THPT năm 2014: Giám sát chặt khâu coi thi

Hồng Hạnh| 24/04/2014 06:09

(HNM) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ diễn ra trong 2 ngày rưỡi, từ sáng 2-6 đến sáng 4-6 với khá nhiều điểm mới về môn thi, hình thức thi, cách tổ chức thi.



Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này, ngày 23-4, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn cho thủ trưởng của hơn 200 đơn vị, trường học có HS dự thi. Theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội và của ngành, việc tăng cường giám sát và thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo quy chế sẽ được duy trì, đặc biệt ở khâu coi thi để đạt kết quả thực chất, góp phần tác động đến việc dạy và học ở các nhà trường.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có một số điểm mới mà thí sinh cần chú ý. Ảnh: Nhật Nam


Nhặt "sạn"

Việc nhặt "sạn" - những tồn tại của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước để rút kinh nghiệm là việc quan trọng, thường xuyên và có hiệu quả trong quá trình chuẩn bị tổ chức kỳ thi năm tiếp theo của ngành GD-ĐT Hà Nội. Ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT) cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 về cơ bản có nhiều chuyển biến trong nhận thức, tổ chức và kết quả kỳ thi. Tuy nhiên, tại một số hội đồng coi thi (HĐCT), do ý thức và công tác giám sát, chỉ đạo coi thi chưa tốt đã để xảy ra những sai phạm đáng tiếc, trong đó có vụ việc vi phạm quy chế thi của cả giám thị và thí sinh tại HĐCT đặt tại Trường THPT Quang Trung - Hà Đông.

Để xảy ra những sai sót trong khâu tổ chức coi thi, theo ý kiến của đại diện ban giám hiệu một số trường THPT, có nguyên nhân quan trọng từ khâu tổ chức học tập quy chế thi chưa nghiêm túc tại cơ sở. Không thuộc quy chế, chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm được giao, có giám thị đã bỏ vị trí hoặc đứng nói chuyện khi coi thi; có thí sinh mang tài liệu, vật dụng ngoài quy định vào phòng thi, gây lộn xộn khi làm bài, quên ghi mã đề thi… Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của kỳ thi, vì vậy phải khắc phục ngay với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, tránh để xảy ra tình trạng tương tự.

Khâu kiểm tra hồ sơ HS đăng ký dự thi năm trước cũng còn nhiều sai sót, làm ảnh hưởng đến tâm lý HS, gây vất vả cho nhiều khâu. Tại một số trường, do cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ thay đổi liên tục, lại có người thiếu ý thức, ít kinh nghiệm nên để xảy ra nhầm lẫn về thông tin cá nhân HS, thiếu bằng tốt nghiệp THCS, bỏ quên chế độ ưu tiên của HS, điểm tổng kết của HS ở sổ điểm và học bạ chưa khớp... Quá trình kiểm tra của Sở GD-ĐT trước ngày thi còn phát hiện có trường hợp HS chưa trúng tuyển vào lớp 10 vẫn được đăng ký dự thi. Điều đáng nói là mặc dù trước đó, các trường đã tự kiểm tra và tổ chức kiểm tra chéo giữa các trường.

Tổ chức HĐCT theo từng trường

Điểm mới trong việc tổ chức thi tại Hà Nội năm nay là thành lập các HĐCT theo từng trường với quy mô không dưới 15 phòng thi/một HĐCT. Như vậy, HS các trường khác nhau sẽ không ngồi thi chung trong một phòng thi. Tuy nhiên, do đặc thù của Hà Nội một số trường THPT có số lượng HS ít, chỉ đủ 2-3 phòng thi (mỗi phòng thi 24 HS) nên không thể tổ chức thành một HĐCT riêng. Vì vậy, theo phương án của Sở GD-ĐT, các trường này sẽ tập hợp lại thành một HĐCT. Trong trường hợp cùng một khu vực có trường THPT công lập có quy mô lớn nằm cạnh một trường THPT ngoài công lập ít HS thì tách HS của trường công lập tham gia thi cùng với HĐCT của trường ngoài công lập. Thực hiện quy chế của Bộ GD-ĐT, các học viên của trung tâm giáo dục thường xuyên năm nay sẽ phải thi ghép cùng HĐCT với HS THPT chứ không được tổ chức thành HĐCT riêng.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đoàn Hoài Vĩnh, mục đích của việc tổ chức HĐCT như trên nhằm để các trường có thể tăng cường giám sát, kiểm tra chéo lẫn nhau ở khâu coi thi. Việc khống chế quy mô của một HĐCT (không dưới 15 phòng thi), hạn chế bố trí những HĐCT quá nhỏ cũng nhằm tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát của ban chỉ đạo thi các cấp và lực lượng liên quan. Nếu số địa điểm thi quá nhiều thì số cán bộ, giáo viên phải điều động làm nhiệm vụ coi thi nhiều hơn, số phòng thi nhiều hơn, trang thiết bị phục vụ thi cũng phải tăng lên… Tóm lại khâu tổ chức thi sẽ cồng kềnh, việc chỉ đạo, giám sát cũng sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng HS phải đi thi quá xa, tại một số trường ở địa bàn khó khăn (như THPT Bắc Lương Sơn) có thể tổ chức một HĐCT ngay tại trường.

So với năm ngoái, cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm nay phụ thuộc vào nhiều yếu tố hơn (cả điểm thi và điểm trung bình cả năm lớp 12). Theo chỉ đạo của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đoàn Hoài Vĩnh, các nhà trường phải nghiêm túc thực hiện đúng quy định trong việc đánh giá, xếp loại HS, tránh "bệnh" thành tích mà cố tình sửa chữa, bổ sung điểm, tạo điều kiện cho HS có điểm tổng kết cao để có cơ hội đỗ tốt nghiệp. Nếu các nhà trường lơi lỏng khâu này sẽ khiến cho kết quả xếp loại tốt nghiệp của HS không thực chất, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của toàn ngành. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực trong lộ trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của ngành GD-ĐT Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ, góp phần tác động tích cực đến quá trình dạy và học ở các nhà trường thời gian tới.

- Các trường có trách nhiệm thông báo kịp thời, đầy đủ các thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tất cả HS đang học, thí sinh tự do để mọi HS có nguyện vọng và đủ điều kiện đều được dự thi.

- Với học viên ngành học giáo dục thường xuyên, điểm thi đã được bảo lưu trong kỳ thi năm 2013 thì không được bảo lưu tiếp trong kỳ thi năm 2014.

- Các giấy chứng nhận để được hưởng tiêu chuẩn ưu tiên, cộng điểm khuyến khích nộp sau ngày thi sẽ không có giá trị.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thi tốt nghiệp THPT năm 2014: Giám sát chặt khâu coi thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.