(HNM) - Rạng sáng 25-1, thi hài Vua Lê Dụ Tông đã được hoàn táng tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang (Thọ Xuân, Thanh Hóa) sau hơn bốn thập niên được đưa ra khỏi lòng đất nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Trang trọng tổ chức lễ hoàn táng thi hài Vu Lê Dụ Tông - Ảnh TTXVN
Vua Lê Dụ Tông sinh năm 1679, là con cả của Vua Lê Hy Tông, lên ngôi năm Ất Dậu (1705), lấy hiệu là Vĩnh Thịnh, đến năm 1720, đổi niên hiệu là Bảo Thái. Năm 1729, Vua Lê Dụ Tông nhường ngôi cho con là Lê Duy Phường và mất vào tháng Giêng, năm Tân Hợi (1731), hưởng thọ 52 tuổi. Ban đầu, thi hài Nhà vua được táng ở lăng Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Đông Sơn, sau được dời đi táng ở Lăng Kim Thạch, huyện Lôi Dương (nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa). Năm 1958, nơi an táng của Nhà vua được một nông dân tình cờ phát hiện. Đến năm 1964, thi hài của Vua được khai quật và đưa về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho đến nay...
Đại diện cho dòng họ Lê, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam nhấn mạnh: "Sự kiện Vua Lê Dụ Tông được hoàn táng đã đáp ứng mong mỏi của các thế hệ con cháu họ Lê trên toàn quốc". Giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa Lê Hoài Chung cho biết: Một số hạng mục trong quần thể lăng mộ cũng sẽ được gấp rút xây dựng trong thời gian sớm nhất. Sau khi hoàn thành, quần thể này sẽ là điểm đến tâm linh của con cháu họ Lê và nhân dân cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.