Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi đua thiết thực, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ

Hiền Chi thực hiện| 02/10/2016 07:26

(HNM) - Một trong những yêu cầu quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) là phải bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, tạo động lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Việc này đang được các cấp, các ngành của TP Hà Nội triển khai sâu rộng. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban TĐKT TP Hà Nội về vấn đề này.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Phùng Minh Sơn.


Tập trung cho khâu yếu, việc khó

- Năm 2016 có nhiều sự kiện chính trị quan trọng và cũng là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm (2016 - 2020). Xin ông cho biết, công tác chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước diễn ra như thế nào để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của thành phố?


- Với tinh thần càng khó khăn càng phải thi đua, ngay từ đầu năm, Hội đồng TĐKT thành phố đã phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2016 với chủ đề xuyên suốt là: “Thi đua xây dựng Thủ đô xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”, tạo tiền đề cho giai đoạn 2016 - 2020. Từ đây, các ngành, các cấp đã cụ thể hóa bằng các chuyên đề “An toàn thực phẩm”, “Một triệu cây xanh đến năm 2020”, trật tự, văn minh đô thị, cải cách hành chính... Đây chính là nét riêng của Thủ đô nhằm vào các nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu, việc khó của thành phố để huy động mọi nguồn lực, mọi tầng lớp nhân dân chung tay cùng chính quyền thành phố tổ chức thực hiện thắng lợi 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, đơn vị đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua do thành phố phát động, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch với những mục tiêu, nội dung và tiêu chí cụ thể, gắn với nhiệm vụ trọng tâm và đặc thù riêng của từng ngành, từng đơn vị. Các đơn vị đã đăng ký với thành phố những mô hình, chuyên đề, giải pháp gắn với việc đăng ký các danh hiệu thi đua như Cờ dẫn đầu thành phố và Cờ thi đua của Chính phủ. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo nên sự đồng thuận, quyết tâm, thu hút được sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân.

- Các phong trào thi đua theo chuyên đề đã nhằm vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu, việc khó nào, thưa ông?

- Năm nay, các đơn vị, địa phương tập trung thi đua theo 4 chuyên đề. Một là, thi đua xây dựng nông thôn mới: Hoàn thành kế hoạch dồn điền đổi thửa; đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tăng cường quản lý, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường. Hai là, thi đua thực hiện có hiệu quả "Năm trật tự và văn minh đô thị", chương trình giảm ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Ba là, thi đua thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính (CCHC); nâng cao kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và hội nhập; nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bốn là, thi đua tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

- So với những năm trước, nội dung 4 chuyên đề trên không phải là mới. Vậy, vì sao lại có chuyện “lặp lại” như vậy, và kết quả thu được có mới không, thưa ông?


- Đúng là những nội dung này đã được thành phố coi là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá qua các năm, nhưng thực tiễn đòi hỏi tiếp tục phải được đổi mới và yêu cầu cao hơn để đáp ứng mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, công tác thi đua tiếp tục chọn các chủ đề này làm đòn bẩy để xây dựng thành các chuyên đề, có đổi mới cách làm và nội dung, tiêu chí phấn đấu.

Với tinh thần như vậy, công tác TĐKT 9 tháng đầu năm 2016 đã góp phần tạo nên những thành tích nổi bật. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đã thành công tốt đẹp. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào thi đua xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đạt kết quả đáng khích lệ, nếp sống văn hóa đô thị được nâng lên. Thành phố trồng mới nhiều cây xanh; xây dựng, cải tạo nhiều khu vui chơi, giải trí trong các khu dân cư và công viên. Công tác CCHC đã có bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương và ứng dụng công nghệ thông tin, tạo bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính cấp phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp và phục vụ những nhu cầu cấp thiết của nhân dân.

Cần thêm những mô hình mới

- Trong phong trào “An toàn thực phẩm”, nhiều đơn vị đã có những mô hình, cách làm mới, sáng tạo, mang lại những sản phẩm sạch, tiện ích, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Điều đó cho thấy, dù là an toàn thực phẩm hay bất cứ lĩnh vực nào cũng đều rất cần xây dựng thêm những mô hình mới hiệu quả, thiết thực hơn, ông có nghĩ như vậy?

- Đúng như vậy. Trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua thời gian gần đây, các địa phương, đơn vị đặc biệt coi trọng việc phát hiện, xây dựng những mô hình mới. Có thể kể đến mô hình “Xây dựng thí điểm mô hình cung cấp rau, thịt, trứng an toàn để cung cấp cho bếp ăn bán trú của các trường học mầm non, tiểu học công lập và nhân dân phường Kim Liên, phường Thịnh Quang” (quận Đống Đa). Mô hình “Chỉnh trang đô thị với các tuyến phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm” (quận Hoàn Kiếm). Mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm” (quận Nam Từ Liêm). Hay Sở Giao thông và Vận tải phát động phong trào thi đua “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương người thực thi công vụ”. Còn Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng đề án quản lý “Công trình siêu mỏng, siêu méo”. Huyện Sóc Sơn lại lựa chọn, nhân rộng mô hình cung cấp thịt lợn sạch hữu cơ “Bảo Châu” (từ năm 2013) với gần 1.000 hợp đồng và mạng lưới 30 cửa hàng tại Hà Nội.

Cùng với các địa phương ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí như như Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội lồng ghép nội dung an toàn thực phẩm trong chuyên mục “Nông thôn Thủ đô hội nhập và phát triển”, Báo Hànộimới, Báo Kinh tế Đô thị đều mở các chuyên mục tuyên truyền về phong trào an toàn thực phẩm do thành phố phát động...

- Bên cạnh những kết quả trên thì vẫn có một số đơn vị chưa xây dựng được mô hình nào. Điều đó chứng tỏ, những đơn vị này chưa thực sự coi trọng công tác thi đua, khen thưởng?

- Đó là một thực tế. Qua đánh giá sơ bộ về các mô hình thi đua năm 2016 được các đơn vị đăng ký, cho thấy vẫn có những đơn vị chưa nhận thức đúng, chưa quan tâm, chú trọng vào những việc trọng tâm, khâu yếu, việc khó để xây dựng mô hình, chuyên đề thi đua. Có đơn vị còn lấy những trang trại, mô hình kinh doanh của người dân trên địa bàn đã có từ lâu làm “mô hình” đăng ký, không phù hợp với yêu cầu và không đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong công tác TĐKT của thành phố.

- Vậy theo ông, làm thế nào để triệt tiêu được cách làm hình thức, mang tính đối phó?

- Chỉ thị 34-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác TĐKT đã nêu rõ nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém, trong đó chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với kết quả thực hiện công tác thi đua của đơn vị. Do đó, giải pháp đầu tiên là làm chuyển biến nhận thức và cách làm của người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cần căn cứ vào các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của thành phố, kết hợp với đặc điểm, nguồn lực của đơn vị mình để xây dựng những chuyên đề thi đua, đề ra các giải pháp thực hiện, tạo chuyển biến từ cơ sở. Có như vậy, toàn thành phố mới thực hiện được các mục tiêu đã đề ra. Trong quá trình thực hiện, cần tiến hành sơ, tổng kết và phát hiện được điển hình, sau đó bồi dưỡng, nhân rộng bằng việc tuyên truyền và tổ chức thi đua với chính điển hình tiên tiến đó.

Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực


- Năm 2016 là năm thứ 24 Hà Nội thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”. So với mọi năm, điểm mới của phong trào thi đua, phong trào “Người tốt, việc tốt” năm nay là gì, thưa ông?

- Năm nay là năm thứ 24 chúng ta tổ chức tổng kết, biểu dương “Người tốt, việc tốt” và là năm thứ 7 thành phố vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”. Điểm nổi bật của năm nay là thành phố đã đổi mới về công tác chỉ đạo bằng việc thể chế hóa cuộc thi Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến (ĐHTT), người tốt, việc tốt (NTVT) năm 2015 thành một quy chế về cuộc thi Viết về gương ĐHTT, NTVT và in sách "Những bông hoa đẹp" để thực hiện hằng năm. Thành phố cũng đã phát động và triển khai có hiệu quả cuộc thi Phát hiện và viết về gương ĐHTT, NTVT. Các hoạt động tuyên truyền về gương NTVT được chú trọng nâng cao, với những nội dung thiết thực, hướng về cơ sở, người lao động trực tiếp. Sự phát hiện những gương NTVT hằng ngày đã tạo nên xu hướng tích cực trong đời sống xã hội, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực và cùng thi đua làm nhiều việc tốt. Chính những gương NTVT đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào thi đua từ cơ sở đến thành phố.

- Cuộc thi Phát hiện và viết về gương ĐHTT, NTVT đã triển khai được gần 2 năm. Xin ông đánh giá hiệu quả của hoạt động này?


- Qua gần 2 năm, các địa phương, đơn vị trực thuộc thành phố đã triển khai cuộc thi một cách nghiêm túc, đồng bộ đến toàn bộ các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, đơn vị trên địa bàn. Cuộc thi đã thu hút được mọi lứa tuổi, ngành nghề khác nhau với nhiều bài viết chất lượng về những điển hình, NTVT trong xã hội. Đặc biệt, Ban TĐKT thành phố đã tiếp tục sử dụng mạng xã hội facebook để tuyên truyền về cuộc thi và cũng đã nhận được những hiệu ứng tích cực. Các cơ quan báo chí của Thủ đô đã dành nhiều thời lượng, dung lượng thông tin các nội dung về cuộc thi. Thông qua công tác tuyên truyền, các bài viết về mô hình, điển hình, gương tốt, việc làm, nghĩa cử có tính nhân văn đã tạo được dư luận tốt, đóng góp vào các hoạt động của phong trào thi đua yêu nước.

Tính riêng từ ngày 1-1 đến hết ngày 15-7-2016, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 847 bài viết, 215 tác phẩm báo chí, phát thanh, truyền hình dự thi. Thành phố đã khen thưởng 111 tập thể, gia đình, cá nhân là những gương ĐHTT, NTVT được phát hiện từ các cuộc thi ở cơ sở. Trong đó, đã có 2 gương điển hình được giới thiệu xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016. Ban Tổ chức cuộc thi đã xét, tặng thưởng cho 39 cá nhân tác giả, tác phẩm và đề nghị UBND thành phố tặng Bằng khen 11 tập thể (5 cơ quan báo chí và 6 quận, huyện). Hiện, Ban Tổ chức đang tiếp tục tổng hợp, đánh giá cuộc thi năm 2016 để chuẩn bị cho hội nghị tổng kết diễn ra vào đầu tháng 10-2016… Tất cả những việc làm này nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TĐKT, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi đua thiết thực, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.