(HNM) - Thực hiện chủ trương thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, hàng chục trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương đã được tuyển dụng theo hình thức thi tuyển. Trao đổi với Báo Hànộimới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo khẳng định, việc thi tuyển sẽ được tổ chức thường xuyên, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy tinh thần phấn đấu, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Ban Tổ chức Thành ủy vừa là cơ quan tham mưu vừa là đơn vị đầu tiên thực hiện chủ trương thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo. Xin đồng chí cho biết kết quả bước đầu thực hiện chủ trương này?
- Ngày 25-10-2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án số 21-ĐA/TU về thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Báo Hànộimới.
Là cơ quan tham mưu chủ trương này, Ban Tổ chức Thành ủy đã chủ động tổ chức thi đầu tiên, ngay trong tháng 12-2022, và đã tuyển chọn được 3 chức danh: Trưởng phòng quận, huyện, thị xã; Trưởng phòng Tổ chức Đảng - đảng viên và Phó Trưởng phòng quận, huyện, thị xã. Kỳ thi đầu tiên, có 9 thí sinh tham gia, mỗi chức danh có 3 thí sinh cạnh tranh nhau. Tháng 3 vừa qua, chúng tôi tiếp tục tổ chức thi đợt thứ hai tuyển thêm được 2 chức danh: Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và Phó Trưởng phòng ban, ngành, sở và đảng bộ trực thuộc. Lần này, có 7 thí sinh tham gia.
Cùng với Ban Tổ chức Thành ủy, đến nay, Thành đoàn Hà Nội cũng đã thi tuyển chức danh Trưởng ban Tuyên giáo; Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thi tuyển chức danh Trưởng khoa Nhà nước pháp luật. Các kỳ thi đều được tổ chức nghiêm túc, công khai, minh bạch, đúng quy định.
- Cách thức tổ chức thi tuyển ra sao để bảo đảm các tiêu chí, thưa đồng chí?
- Các kỳ thi tuyển đều có Hội đồng thí điểm thi tuyển và các ban của Hội đồng làm việc trên cơ sở quy chế, quy định; bảo đảm nghiêm túc, bài bản, trách nhiệm, đúng chức trách và dân chủ, khách quan, công tâm, không để xảy ra sai sót trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi. Như kỳ thi của Ban Tổ chức Thành ủy, chúng tôi thành lập ban ra đề thi, ban coi thi, ban phách và ban chấm bài thi viết. Đề thi được xây dựng trên cơ sở tham mưu của các chuyên gia, bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn và xuất phát từ nhu cầu công việc của chức danh thi tuyển. Ngoài bài thi viết 180 phút, thí sinh còn phải trải qua phần thi vấn đáp do lãnh đạo ban trực tiếp làm giám khảo. Phần này giúp kiểm tra năng lực, trình độ thực sự của thí sinh. Trước những câu hỏi tình huống, vấn đề mới, vấn đề khó mà thực tiễn đang đặt ra, nếu không có trình độ, kỹ năng, trải nghiệm thực tiễn thì không thể trả lời. Ai giỏi, ai kém đều bộc lộ rõ.
- Được biết, Khối các cơ quan nhà nước cũng đang thực hiện Đề án thí điểm đổi mới thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố. Như vậy, Hà Nội đang triển khai khá đồng bộ chủ trương đổi mới về công tác tuyển chọn cán bộ?
- Đúng vậy, việc thí điểm đến nay đang được triển khai đồng bộ, trong cả hệ thống chính trị thành phố. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, cùng với Khối Đảng, Khối cơ quan nhà nước có đề án từ đầu năm 2022, vừa qua đã tổ chức thi tuyển đối với 76 chức danh tại 46 cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố. Qua thi tuyển đã tuyển chọn được 67 chức danh. Tỷ lệ thí sinh bình quân cạnh tranh cho mỗi chức danh là 3 người.
Về tác dụng thì chúng ta đều thấy rằng, việc thi tuyển tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thôi thúc tinh thần phấn đấu, rèn luyện, học tập vươn lên của cán bộ, công chức, viên chức để tham gia công tác lãnh đạo, quản lý; tạo tính năng động trong công tác cán bộ. Đây cũng là giải pháp cần thiết nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức giữ chức vụ cấp trưởng, phó phòng... Thông qua thi tuyển chúng ta còn có điều kiện để từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương.
Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế tuyển chọn công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị thành phố.
- Thời gian tới, chủ trương này sẽ được triển khai thực hiện ra sao, thưa đồng chí?
- Như chúng ta đều biết, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Tới đây, theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục thí điểm thi tuyển ở nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức theo Đề án số 21-ĐA/TU. Nhiều cơ quan trong Khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện chủ trương này.
Ban Tổ chức Thành ủy cũng vừa thẩm định và thống nhất với Ban Cán sự đảng UBND thành phố về phương án tiếp tục thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố. Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy thông qua sẽ tổ chức thực hiện.
Chúng tôi cũng sẽ từng bước nghiên cứu, tham mưu tổng kết thực hiện thí điểm, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy kiến nghị các cơ quan trung ương hướng dẫn các nội dung thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, làm căn cứ để triển khai thực hiện trong những năm tới.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.