Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Bộ máy gọn, hiệu quả cao

Hiền Thu| 27/05/2023 06:30

(HNM) - Sau gần 2 năm thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây (từ ngày 1-7-2021), đến nay bước đầu đã đạt những hiệu quả tích cực. Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường tinh gọn hơn, điều hành linh hoạt, hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước; đồng thời, bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân.

Giải quyết thủ tục chứng thực cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Ảnh: Hiền Chi

Cán bộ trách nhiệm, người dân hài lòng

Thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31-12-2019, tiếp đó Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành nghị quyết này. Trên cơ sở đó, Hà Nội đã triển khai một cách bài bản, thận trọng, đúng quy định, mang lại những kết quả bước đầu trong công tác quản lý ở đô thị.

Trước hết, thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, biên chế giao đối với các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường và các chức danh công chức khác giảm 125 biên chế so với khi chưa thực hiện thí điểm (trước đây là 2.750 biên chế, khi thực hiện thí điểm là 2.625 biên chế).

Một trong những điểm được đánh giá cao là Nghị định số 32/2021/NĐ-CP cho phép chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận… Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Tất Thắng nhận định, việc ủy quyền giúp lãnh đạo phường giảm bớt công việc, dành thời gian cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đồng thời tạo sự chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Tất Thắng cũng cho hay, kể từ khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tỷ lệ đánh giá sự hài lòng của người dân đạt cao. Trong năm 2022, UBND phường đã triển khai tự khảo sát đo lường sự hài lòng, kết quả 1.080/1.080 phiếu phát ra và thu về (đạt tỷ lệ 100%) đều đánh giá “hài lòng” và “rất hài lòng” về kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại phường.

Điểm khác biệt nữa khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị là không tổ chức HĐND phường. UBND phường là chính quyền địa phương ở phường, là cơ quan hành chính thuộc UBND quận. Do đó, tổ chức bộ máy chính quyền trong khối quận đã gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn. 

Bảo đảm quyền dân chủ và giám sát của nhân dân

Dù không tổ chức HĐND phường, quyền dân chủ, giám sát của nhân dân vẫn được bảo đảm nhờ hình thức giám sát trực tiếp hoặc giám sát gián tiếp thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội nghị đối thoại, lấy ý kiến nhân dân. 

UBND các phường đã tổ chức thực hiện nghiêm túc hội nghị đối thoại ít nhất 2 lần/năm giữa chủ tịch UBND phường với nhân dân. Tính đến tháng 12-2022, đã có 570 buổi đối thoại được các phường của thành phố tổ chức. Qua đối thoại, chủ tịch UBND các phường đã tiếp nhận gần 4.500 kiến nghị của tổ chức, cá nhân, tập trung vào các vấn đề dân sinh như công tác quản lý đất đai, giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, giải quyết thủ tục hành chính… Hầu hết các kiến nghị đã được chủ tịch UBND các phường trực tiếp trao đổi, giải đáp ngay tại hội nghị (đạt tỷ lệ 93%), còn lại trả lời bằng văn bản và chuyển các cơ quan đúng thẩm quyền giải đáp.

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị cũng phát sinh những vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường là 15 người/phường (tương đương mức bình quân công chức cấp xã), trong khi có phường quy mô dân số rất lớn. Theo tiêu chuẩn, quy mô dân số là 15.000 người/phường, tuy nhiên, hiện có 41 phường có quy mô dân số hơn 30.000 người...

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong cho rằng, việc bố trí biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người (bao gồm cả công chức giữ chức vụ quản lý) như hiện nay là quá mỏng, đặc biệt là ở các phường có quy mô dân số lớn, dẫn đến áp lực công việc đối với công chức rất lớn, trong khi tiền lương, phụ cấp chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.  

Với khó khăn này, các địa phương đề xuất, thành phố cần kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản sửa đổi quy định, hướng dẫn việc giao số lượng biên chế công chức trên cơ sở tính theo quy mô dân số, khối lượng công việc… của từng địa phương. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn thông tin, hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng nghị định về việc này, trong đó có đề nghị tăng thêm công chức cho các phường có đông dân.

Ngoài ra, các phường cũng đề nghị sớm thống nhất một chế độ công chức, công vụ; bởi hiện nay, đội ngũ cán bộ chuyên trách ở phường vẫn là cán bộ cấp xã, chưa được chuyển thành cán bộ thuộc biên chế cấp quận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Bộ máy gọn, hiệu quả cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.