(HNMO) - Vắc xin ComBE Five đã được thay thế Quinvaxem trên toàn quốc từ tháng 1-2019. Đến nay, gần 80.000 trẻ tại 15 tỉnh, thành phố được tiêm loại vắc xin này.
Vắc xin ComBe Five là vắc xin phối hợp 5 trong 1 để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib cho trẻ em. Vắc xin này có thành phần, hiệu quả, tính an toàn, lịch tiêm chủng, cách sử dụng như vắc xin Quinvaxem trước đây.
Phụ huynh tại Hà Nội cho trẻ đi tiêm vắc xin ComBE Five |
Tại Hà Nội, ngày 2-1, toàn thành phố có 11 quận, huyện triển khai tiêm vắc xin ComBE Five cho 3.466 trẻ. Đã có 11 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Huyện Ứng Hòa có 8 trường hợp trẻ sốt cao. Tuy nhiên, không trẻ nào có phản ứng phản vệ.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay, gần 80.000 trẻ tại 15 tỉnh, thành phố đã được tiêm vắc xin ComBE Five. Ngoài phản ứng thông thường (như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm...), ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài tại một số tỉnh, thành phố và các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, xử trí.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào, trong đó có vắc xin ComBE Five, là: Sốt từ 38-39°C chiếm tới 44,5%, phản ứng sưng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%.
Vậy, sau khi trẻ tiêm vắc xin ComBE Five, cha mẹ cần theo dõi, chăm sóc trẻ như thế nào?
Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hướng dẫn, cha mẹ cần cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra; tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.
Người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ; bế, quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm; cho trẻ bú/ăn đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế, không bú/ăn khi nằm…, thường xuyên kiểm tra trẻ, đặc biệt vào ban đêm; không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm.
Các dấu hiệu cần theo dõi: Tinh thần; tình trạng ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…), trẻ sốt cần cặp nhiệt độ. Nếu phát hiện bất thường về sức khỏe của trẻ, báo ngay cho nhân viên y tế để kịp thời xử lý.
Phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu: Quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lừ đừ...; khó thở: Rút lõm hõm ức, bụng, tím môi, thở ậm ạch; sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; da nổi vân tím, chi lạnh; nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bú kém, bỏ bú; co giật; phát ban hoặc khi trẻ có biểu hiện bất thường khác khiến cha mẹ lo lắng.
Phụ huynh không tự ý dùng thuốc mà phải dùng thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo. Không nên dùng các loại thuốc lá, cây… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế. Dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.