Theo dõi Báo Hànộimới trên

Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn

Phương Nam| 30/04/2020 08:00

(HNMO) - Những ngày này, cưỡi một chiếc Honda 67 hoặc Honda Dame, luồn lách vào những con đường vùng Bàn Cờ, hẻm chợ Nguyễn Đình Chiểu hay chạy qua quán cơm tấm Đại Hàn… đang là việc được nhiều bạn trẻ thành phố Hồ Chí Minh ưa thích, bởi đó là cách thực hiện hành trình Biệt động Sài Gòn xưa.

Căn hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn thời chống Mỹ.

8 tháng đào hầm giấu vũ khí

Chúng tôi chạy dọc con đường Nguyễn Đình Chiểu thẳng tắp từ đầu tới cuối quận 3 thành phố Hồ Chí Minh rồi rẽ vào con hẻm 287 nhộn nhịp chợ sáng và dừng lại trước căn nhà nhỏ số 70, nằm bình yên giữa hẻm.

Ngôi nhà chỉ có bề ngang chừng hơn 2m, sâu hơn 10m. Đây là căn nhà do ông Trần Văn Lai, một cán bộ Biệt động thành mua từ năm 1966, theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định, nhằm xây dựng cơ sở bí mật, phục vụ Biệt động thành chiến đấu lâu dài.

Bước vào năm 1967, căn hầm bí mật dưới nền căn nhà này bắt đầu được đào. Ròng rã suốt 8 tháng trời, những người lính chờ khi đêm xuống, đào khẽ khàng từng xẻng đất nhỏ, giấu đất moi lên từ nền nhà vào các hộp giấy carton, giống như những hộp phụ liệu nghề may rèm cửa mà các nữ chiến sĩ Biệt động đang làm nghề ngụy trang hằng ngày. Những hộp đất nhỏ được mang đi đổ cách đó cả chục cây số, tại một khu đất hoang.

Khi căn hầm được hoàn tất sau gần 250 ngày đêm thi công, súng, đạn các loại, lựu đạn, chất nổ… từ các ngả đường ngoại ô thành phố được giấu trong bó mành tre, trong xe bò chở hàng, dưới các gánh hàng rong của các má… dồn về đây. Kho vũ khí bí mật này có thể chứa tới hơn 2 tấn vũ khí các loại.

Vũ khí được giấu dưới tấm phản dày

Tôi đưa tay mở cánh cửa sắt màu xanh lá đang khép hờ, bỗng nhận ra chi chít những vết đạn bắn thủng lỗ chỗ trên cửa. Ông Sáu, một cựu binh cuộc chiến biên giới Tây Nam những năm 1980, hiện là hướng dẫn viên tại di tích lịch sử này giải thích đó là những vết đạn mà quân cảnh bắn tung cánh cửa sắt vào đêm 4-2-1968, khi phát hiện ra kho vũ khí này.

Bên trong căn nhà nhỏ, gian trưng bày giúp người xem hình dung lại hàng tấn vũ khí đã được cất giấu như thế nào: Mặt dưới của tấm phản rộng, dày đến 20cm là một mặt gỗ được khoét rỗng, đặt vừa khít những khẩu súng ngắn, những khẩu tiểu liên AK, thậm chí là cả những cây súng B40 uy lực. Giữa những cây súng là những chỗ cất giữ các trái lựu đạn mỏ vịt vẫn còn nguyên màu sơn xanh...

Khám phá căn hầm bí mật

  Căn nhà nhỏ, nơi có hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn thời chống Mỹ giờ trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách khi tới thăm thành phố Hồ Chí Minh.

Khi tôi ngỏ lời muốn thăm căn hầm bí mật, ông Sáu cười và nói: “Cửa vào ngay trên sàn nhà, anh tìm đi!”. Đưa mắt rà khắp sàn nhà với diện tích chỉ hơn 20m2, được lát bằng những viên gạch men vuông 20cm x 20cm với hai màu trắng đỏ, tôi không thể tìm được dấu vết cửa hầm ở chỗ nào. Cười lớn, ông Sáu nói: "Ngay gần chỗ anh đứng đấy…".

Phải nhìn thật kỹ, tôi mới nhận ra 12 viên gạch tạo thành hình chữ nhật 60x40cm có khe gạch sâu hơn một chút so với các viên gạch khác. Cạnh mép, một móc sắt nhỏ được giấu khá kín. Hơi khó khăn để lôi chiếc móc sắt đó ra, tôi đã có thể nhấc cửa hầm lên. Bên dưới lộ ra hầm vũ khí đầy các thùng to nhỏ và cả trăm cây súng đủ loại.

Hầm sâu chừng 2m, có hệ thống thông gió tự nhiên ra bên ngoài, vốn được ngụy trang như những nắp cống thoát nước mưa ngoài mặt hẻm. Tường hầm được trát lớp vữa dày chống nước. Hầm vũ khí này đã tồn tại 3 tháng trước cuộc tấn công vào Dinh Độc lập dịp Tết Mậu Thân 1968, ngay trước sự giám sát của hệ thống cảnh sát, nhân viên an ninh chìm của chế độ cũ, vốn xuất hiện liên tục ngoài đường.

Ông Bảy Hôn (Phan Văn Hôn) - chiến sĩ biệt động Sài Gòn bên nắp hầm bí mật. Ông đã cùng các đồng đội lấy vũ khí và xuất phát từ đây để tấn công Dinh Độc Lập vào đêm mùng 1 Tết Mậu Thân 1968.

Cũng từ địa điểm lịch sử này, lúc 1h30 ngày 31-1-1968 (tức mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân), 15 chiến sĩ Đội 5 Biệt động thành đã nhận vũ khí, xuất phát tấn công vào Dinh Độc lập, cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

15 chiến sĩ đã anh dũng đương đầu với hàng trăm lính bảo vệ tại đây. Cuộc chiến không cân sức diễn ra suốt cả ngày 31-1-1968. Những cuộc chạm súng nảy lửa diễn ra ác liệt dọc đường Nguyễn Du, đường Thủ Khoa Huân, đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng). Đến tối, sau khi tiêu diệt gần 100 lính đối phương, các chiến sĩ ta hết đạn, 7 chiến sĩ đã hy sinh, 8 chiến sĩ khác bị địch bắt.

Căn hầm nhỏ bé với những người con dũng cảm đã làm nên những chiến công lẫy lừng hơn nửa thế kỷ trước. Từ ngày 30-4-2020, nơi tôi đang đứng đây sẽ là một trong những điểm đến của tour du lịch đặc biệt, chỉ riêng có tại thành phố mang tên Bác. Đó là tour “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn” mà Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh chính thức triển khai, sau hơn một năm nghiên cứu, thử nghiệm.

Điểm đến của tour du lịch có một không hai này là các di tích lịch sử và các “căn cứ” của Biệt động Sài Gòn như quán cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ ở 113A Đặng Dung (quận 1), một trạm liên lạc; Bảo tàng thông minh, lưu giữ những câu chuyện lịch sử về quá trình hoạt động cũng như những kỷ vật của lực lượng Biệt động Sài Gòn tại 145 Trần Quang Khải (quận 1); Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.