Theo dõi Báo Hànộimới trên

Theo chân chiếu bóng lưu động

Dương Linh| 25/05/2015 06:36

(HNM) - Biết tin cán bộ Trung tâm Điện ảnh - Băng hình tỉnh về chiếu phim, trời chưa tắt nắng đã thấy đám trẻ cầm ghế nhựa xanh, đỏ rình rịch kéo về bãi... Phim gì thì cũng phải kiếm chỗ ngồi cái đã.


Ngày hội với những bản xa

Năm giờ chiều, chúng tôi cùng kíp làm phóng sự của Đài Truyền hình tỉnh Hòa Bình về xóm Cạn II, nơi đội chiếu bóng lưu động của tỉnh chuẩn bị chiếu phim phục vụ bà con. Đường vào Cạn II vừa đủ cho chiếc xe 7 chỗ, xóc nảy người. "Lần trước chúng tôi vào đây đúng lúc trời mưa, bùn ngập nửa bánh xe, mấy anh em phải xuống đẩy cật lực" - biên tập viên của Đài Hòa Bình vừa lái xe, vừa nói.

Ngay từ đầu giờ chiều, mỗi người một việc, sẵn sàng chiếu phim.


Xe qua đỉnh dốc, gần hai chục trẻ nhào tới với ánh mắt tò mò. Trong khi đội chiếu bóng tất bật chuẩn bị máy chiếu, loa đài... chẳng ai bảo ai, bà con xúm vào, mỗi người một việc, từ căng dây điện đến đào hố chôn cọc dựng màn chiếu... Rồi tiếng loa từ chiếc xe tuyên truyền lưu động cất lên: "Đúng 19h tối nay, tại xóm Cạn II có chiếu phim... mời bà con đến tham dự!". Ông Bùi Đức Dục, từng có 20 năm làm Bí thư chi bộ xóm Cạn II xăm xắn giúp đoàn làm phim khiêng hòm xiểng, vừa nói: "Xóm mới có điện được hơn một năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều thiếu thốn. Cạn II có 83 hộ, 380 nhân khẩu, nhiều hộ đã có ti vi nhưng mọi người vẫn thích xem phim màn ảnh rộng. Dân bản mong ngóng đoàn chiếu phim lưu động lắm!".

Màn đêm dần buông. Ánh đèn pin lấp lóa dọc lối mòn bên sườn núi, dẫn bước đoàn người vội vã kéo về nơi chiếu phim. Bãi chiếu la liệt người. Người ngồi trên ghế nhựa, người bỏ dép ngồi xổm trên bãi, đám trẻ chí chóe tranh chỗ của nhau, đứa nào cũng muốn được ngồi gần màn chiếu, mặc cho các bác, các chú giải thích ''ngồi cách xa mươi mét mới dễ xem''. Bà Bùi Thị Nịnh, 67 tuổi, ở xóm Cạn I, đi bộ hai cây số sang Cạn II chờ xem phim, nói: "Phim nào tôi cũng thích. Các con, các cháu tôi, cả thảy 29 đứa ngồi hết cả đằng kia". Chị Bùi Thị Thơm, Bí thư chi bộ xóm Cạn I nói thêm: "Không chỉ riêng gia đình bà Nịnh, hầu hết bà con trong xóm Cạn I đều tới đây xem phim".

Người đến xem mỗi lúc một đông, chật kín khoảng sân rộng hơn. Anh Bùi Văn Luyến, Trưởng Công an xã Xuân Phong chia sẻ: "Rất mong có những buổi chiếu bóng lưu động như thế này, để tuyên truyền cho thanh niên về văn hóa, lịch sử và pháp luật. Đây là hình thức giáo dục hiệu quả đối với thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn ANTT trên địa bàn".

Rồi thì buổi chiếu cũng bắt đầu sau 15 phút ca múa nhạc. Hôm nay bà con xem "Vượt qua bến Thượng Hải", bộ phim nói về những ngày hoạt động cách mạng ở Hồng Kông, Hạ Môn, Thượng Hải của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc… Mọi người chăm chú theo dõi, thi thoảng, tiếng trầm trồ lại vang lên... "Ký ức Điện Biên" là bộ phim thứ hai được chọn chiếu trong buổi tối. Tôi hỏi một cháu đang chăm chú dõi theo hình ảnh bộ đội ta kéo pháo vào gần khu vực lòng chảo - nơi đặt nhiều cứ điểm của quân Pháp rằng: Có biết về chiến dịch Điện Biên Phủ hay không? Cháu Đinh Văn Linh, học sinh lớp 6B Trường THCS Xuân Phong rụt rè nói: "Trường cháu có phát động cuộc thi kể chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ, rất thú vị cô ạ, nhưng được xem phim thì vẫn thích hơn".

Đâu có dân, ở đó có chiếu bóng

Trời về khuya, khi bà con kéo nhau ra về, chúng tôi cùng các thành viên đội chiếu bóng Cao Phong quây quần bên bữa cơm muộn ở nhà trưởng thôn Cạn II. Bên chén rượu nồng, những "chiến sĩ văn hóa vùng cao" vào chuyện một cách mộc mạc: Ở đâu có dân, ở đó có bước chân người chiếu bóng! Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Đội trưởng đội chiếu bóng lưu động, người đã có thâm niên 39 năm gắn bó với nghề nói: "Đội có 6 người, người ít thì hơn 20 năm, người nhiều có tới 40 năm trong nghề. Từ lúc chỉ có phim nhựa, rồi đến chiếu video, giờ thì vừa phim nhựa vừa ống phóng... Đội đã đi chiếu lưu động ở khắp các địa bàn khó khăn trong tỉnh. Riêng với Xuân Phong, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần lên xóm Mừng vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi ấy xóm còn chưa có đường, điện như bây giờ. Để phục vụ một buổi chiếu, đoàn phải khiêng theo máy chiếu nặng gần 40kg, cộng thêm máy phát điện 120kg và lỉnh kỉnh đủ thứ thiết bị. Cả đoàn leo dốc thẳng đứng, xuất phát từ 11h, mãi 18h mới đến nơi. Mệt nhưng mà vui vì bà con thấy chúng tôi như bắt được vàng".

Lũ trẻ háo hức với thiết bị của đội chiếu bóng.



Anh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Mỗi khi đến điểm chiếu, thấy bà con hồ hởi, vui mừng là bao nỗi mệt nhọc dường như tan biến. 39 năm gắn bó với nghề, anh không nhớ nổi mình đã thực hiện bao nhiêu buổi chiếu. Chỉ biết rằng ở nhiều nơi anh đến đã trải qua bao thế hệ trưởng thôn, bí thư chi bộ. Xó xỉnh nào của Xuân Phong anh cũng biết, bà con coi anh như người nhà. Vậy mà mãi năm 2013, anh và một số đồng nghiệp khác mới được hưởng biên chế Nhà nước.

Góp thêm chuyện, anh Tô Ngọc Thịnh hào hứng: "Làm nghề này phải có lòng say mê. Tôi có gần 30 năm với nghề, may vợ là giáo viên trường sư phạm, thu nhập cũng khá. Chứ trông vào đồng lương của mình thì chắc phải bỏ nghề lâu rồi". Anh Thịnh cho biết đồng nghiệp ở Mai Châu, Đà Bắc cực khổ hơn nhiều. Nhiều người làm nghề mà còn phải lo chăn nuôi, tranh thủ chạy xe ôm để tăng thêm thu nhập.

Dưới ánh đèn điện yếu ớt, nói về chuyện theo đuổi nghề chiếu bóng lưu động, những con người thầm lặng trên lĩnh vực văn hóa thoáng nét ưu tư. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ có chung mong muốn sớm được các ngành chức năng trong tỉnh có động thái cụ thể, kịp thời giúp họ vợi bớt khó khăn. Giám đốc Trung tâm Điện ảnh - Băng hình tỉnh Hòa Bình Trương Văn Cường cho biết: "Hiện trung tâm có 7 đội chiếu bóng lưu động với hơn 20 cán bộ, mỗi năm phục vụ hơn 1.000 buổi chiếu, khoảng gần 140.000 lượt người xem. Nhiều người làm nghề bao năm mà chưa được vào biên chế".

Màn đêm phủ xuống, Xuân Phong như tấm màn nhung. Chia tay Cạn II, trong tôi đọng lại ánh mắt háo hức của những cụ già, em nhỏ, sự tận tụy của các thành viên đội chiếu phim lưu động. Đêm nay các anh ở lại Cạn II để ngày mai tiếp tục sang xóm khác chiếu phim phục vụ bà con. Và ngày kia… nữa, những con người tận tâm với vùng cao để lại muôn nỗi lo toan riêng mình, tiếp tục hành trình mang ánh sáng văn hóa đến với bản làng xa xôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Theo chân chiếu bóng lưu động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.