(HNM) - Thông tư 87/2018/TT-BTC ngày 27-9-2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 215/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, có nhiều nội dung mới nổi bật về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Cụ thể, Thông tư cho phép tạm dừng hoặc chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế nếu đến thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế mà cơ quan thuế đã ban hành một trong các văn bản như: Thông báo nộp dần tiền thuế nợ; Quyết định gia hạn nộp thuế; Thông báo không tính tiền chậm nộp.
Một điểm mới đáng chú ý khác là quy định quyết định cưỡng chế thuế được gửi qua mạng. Theo đó, nếu người nộp thuế đã có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được gửi theo phương thức điện tử. Trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp hoặc bằng thư bảo đảm qua bưu điện.
Thông tư này cũng sửa đổi quy định về thời điểm phải ban hành quyết định cưỡng chế. Cụ thể, sau ngày thứ 90 kể từ ngày số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế hết thời hạn nộp thuế…, quyết định cưỡng chế thuế sẽ được ban hành, thay vì quy định cụ thể trong ngày thứ 91 như trước đây.
Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có mở tài khoản tại nhiều tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước khác nhau thì người có thẩm quyền căn cứ vào số lượng tài khoản mở tại các tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước để ban hành quyết định cưỡng chế, trích tiền từ tài khoản đối với một tài khoản hoặc nhiều tài khoản. Đồng thời, yêu cầu tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước phong tỏa tài khoản với các tài khoản còn lại của người nộp thuế tương ứng với số tiền bị cưỡng chế trong trường hợp cần thiết.
Thông tư 87/2018/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-11-2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.