Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm "sức nặng" trong hoạt động hòa giải

Bách Sen| 02/06/2012 07:06

(HNM)- Theo điều 135, 136 Luật Đất đai, những tranh chấp đất đai sau khi đã qua thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã, phường mới được trình tòa án xem xét, xử lý.

Quy định nêu trên có mặt tích cực là hạn chế số lượng các vụ việc tranh chấp đất đai nhỏ, có thể giải quyết ngay từ cấp xã, phường. Từ đó, giảm gánh nặng công việc cho cơ quan công tố. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các tranh chấp đất đai đã cho thấy, không ít trường hợp bị phiền phức vì vướng thủ tục hòa giải ở cấp xã, phường.

Nguyên nhân do UBND cấp xã, phường có vai trò quan trọng trong việc quản lý đất đai nhưng họ không có năng lực giải quyết tranh chấp lớn, phải vận dụng nhiều luật cùng một lúc. Nhiều vụ việc, cấp phường hòa giải thành nhưng kết quả hòa giải lại không được cấp quận công nhận để làm thủ tục chia tách thửa đất, cấp "sổ đỏ". Kết cục, công dân lại phải tốn thêm thời gian đưa nhau ra tòa để kiện. Vì thế, việc quy định hòa giải tại UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc không những không giải quyết được mâu thuẫn mà trái lại, đã tạo thêm một thủ tục hành chính nữa.

Có trường hợp, người dân có nhu cầu làm sổ đỏ nhưng hàng xóm không đồng ý vì đang tranh chấp đất đai giữa hai bên. Khi lực lượng hòa giải đến, không giải quyết được mâu thuẫn này. Nhưng sau đó, người hàng xóm cũng không yêu cầu cấp trên giải quyết tiếp. Trường hợp này, xác định đất đang tranh chấp hay không tranh chấp để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là câu hỏi chưa có lời giải. Bởi Luật Đất đai năm 2003 chỉ quy định: "Một trong những điều kiện để cấp GCNQSDĐ là phải được UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất xác định đất không có tranh chấp" mà không có bất kể hướng dẫn gì thêm.

Thực tiễn trên cho thấy, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai cần quy định thời hiệu yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước giải quyết tranh chấp đất đai, kể từ thời điểm hòa giải ở cơ sở không thành, nhằm tránh trường hợp vụ việc kéo dài và rất khó xử lý vì pháp luật không quy định. Quy định trong hòa giải ở cơ sở cũng cần bổ sung trách nhiệm của MTTQ phường, tổ chức kinh tế, các cơ quan, đơn vị vũ trang nhân dân, luật sư trong xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức thực hiện hòa giải ở cơ sở, mới tạo thêm được "sức nặng" trong hoạt động hòa giải.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm "sức nặng" trong hoạt động hòa giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.