(HNM) -Ngày 27-7 hằng năm là dịp để thể hiện những tình cảm, sự biết ơn sâu sắc của cộng đồng dành cho các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng… Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước, nhiều bạn đọc đã gửi đến Báo Hànộimới những lời động viên và cả một số điều còn trăn trở...
Khám, chữa bệnh cho thương binh tại Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng. Ảnh: TTXVN |
Bà Đặng Thị Kim Diệp (Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội):
Hoạt động đền ơn, đáp nghĩa luôn được Thành hội Chữ thập đỏ quan tâm, chỉ đạo và nằm trong khung kế hoạch "cứng" hằng năm. Trong dịp này, Thành hội cũng đã đi tặng quà cho các đối tượng là thương binh, gia đình liệt sỹ… ở huyện Thanh Trì, Chương Mỹ. Hiện còn rất nhiều thương binh, gia đình liệt sỹ gặp khó khăn về mọi mặt, họ cần sự sẻ chia, động viên về cả vật chất lẫn tinh thần. Chúng tôi kêu gọi sự tri ân của cộng đồng, bởi họ xứng đáng được quan tâm, khích lệ…
Một bạn đọc có email: Mylienvksnd@yahoo...:
Vừa rồi, tôi vô tình nghe các cháu nói chuyện với nhau về điểm thi đại học, một cô bé bảo bạn rằng: "Cậu sướng vì được điểm ưu tiên do bố là thương binh. Tớ thiệt thòi vì không được hưởng chế độ đó". Vẫn biết, trong nhà trường các cháu được các thầy giáo, cô giáo truyền dạy về sự hy sinh của thế hệ cha anh, song đáng nói là các nội dung đó chưa ngấm sâu vào suy nghĩ, hành động của các cháu, vì phần lớn là học "vẹt". Giáo dục lịch sử là rất cần thiết, song quan trọng hơn là các cháu phải biết thể hiện bằng hành động… Nhà trường cần có những bài giảng sinh động, học sinh phải hiểu về thực tế, phải biết người thực, việc thực, để các cháu trân trọng giá trị của cuộc sống.
Ông Vũ Xuân Đậu (phường Trung Liệt, quận Đống Đa):
Chúng tôi tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ với tinh thần "cả nước cùng ra trận" và đó là những tháng ngày gian nan, nhưng đầy vẻ vang, hào hùng. Bây giờ, chúng tôi kỳ vọng vào lớp con cháu, muốn họ nhìn vào những mất mát, hy sinh của ông cha để biết sống đoàn kết, vươn lên. Hiện nay, nhiều người trong thế hệ chúng tôi đang phải chống chọi với bệnh tật, đau yếu và muôn vàn khó khăn, vì vậy một lời động viên, quan tâm chân thành sẽ là sự sẻ chia, là chỗ dựa về tinh thần rất lớn...
Ông Bùi Văn Chuẩn (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức):
Tôi có người anh là liệt sỹ, nhưng phải vất vả lắm gia đình tôi mới tìm được mộ phần. Quá trình tìm kiếm chúng tôi nhận được sự giúp đỡ từ nhiều phía, song cơ bản là gia đình tôi phải tự dò dẫm là chính, rất tốn kém và vất vả. Tôi mong muốn các tổ chức như Hội Cựu chiến binh, Hội Thanh niên xung phong và cơ quan chức năng hãy tập trung thành những đầu mối lớn để tập hợp thông tin từ mọi nguồn, nhằm giúp đỡ các gia đình tìm mộ liệt sỹ có thêm sự hiểu biết, thêm chỗ dựa. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cũng cần có cơ chế phù hợp đối với hoạt động này...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.