Sách

Thêm những góc nhìn về "Nước Nam một thuở"

Vân Hạ 27/01/2024 - 18:45

“Tôi xin đảm bảo với các bạn rằng, tôi yêu Tết như một đứa trẻ. Vì tôi thấy ở đó con người sống nhân văn hơn, tốt hơn với đồng loại, hài lòng với chính mình, với mọi thứ và với mọi người”.

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã viết về Tết của người An Nam với những con chữ đầy hấp dẫn như trên.

Và đây chỉ là một trong 38 công trình nghiên cứu, bài viết tiêu biểu bằng tiếng Pháp của các học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp trong cuốn sách “Nước Nam một thuở” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tuyển dịch từ tài liệu tiếng Pháp sang tiếng Việt.

hnmo_nuoc-nam.jpg

Được cho là một trong những cuốn sách truyền tải trọn vẹn nhất giá trị lịch sử - văn hóa đặc trưng của đất Việt, người Việt, cuốn sách “Nước Nam một thuở” chủ yếu khai thác các bài tiểu luận có chất lượng nằm ẩn trong các hồ sơ lưu trữ. Đó là các bài viết đăng trên Tạp chí Đông Dương, Tạp chí Viễn Á, Tuần san Đông Dương, Tập san Dân Việt Nam xuất bản từ năm 1894-1948.

Tác giả của những công trình này là các học giả, nhà khoa học, quan chức người Pháp và người Việt như Louis Bezacier, Gustave Dumoutier, Pierre Pasquier, Cerutti, Henry Bontoux, Paul Boudet, G.Tucat, Ngô Quý Sơn, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Xuân Chữ... Đây là những người đã nghiên cứu kỹ lưỡng về nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa, giáo dục, du lịch, quân sự, y tế, ngành nghề truyền thống...

Những nhóm chủ đề chính trong số 38 bài viết nghiên cứu của cuốn sách “Nước Nam một thuở” có thể kể đến như các nghi lễ, phong tục tập quán, đặc biệt là phong tục ngày Tết; các thú chơi, chuyện ăn uống trong các tầng lớp xã hội An Nam; tiếng nói và chữ viết An Nam; nét văn hóa của các vùng, khu vực như tiếng rao ở Sài Gòn,…; các danh nhân văn hóa, lịch sử như Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ; các chủ đề khác như khai trương hình thức du lịch bằng đường hàng không tại Đông Dương, các khu nghỉ mát trên núi ở Đông Dương…

Để người đọc tiện theo dõi, các bài viết trong cuốn sách được lựa chọn và sắp xếp, hệ thống hóa theo chủ đề và trình tự thời gian. Mỗi bài viết đều có hình ảnh minh họa, ghi rõ tác giả, ký hiệu tra tìm, niên đại.

Cuốn sách có khoảng 60 tranh ảnh phong phú về đất nước, con người An Nam. Đối với những bài viết không có hình ảnh, Ban Biên soạn đã sưu tầm, bổ sung hình ảnh, đồng thời ghi rõ nguồn dẫn để cuốn sách thêm phần sinh động. Đối với tên phố, đường ở Hà Nội và Sài Gòn, cuốn sách giữ nguyên tên gốc tiếng Pháp và bổ sung tên gọi tương đương hiện nay.

Đại diện của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, trong quá trình thực hiện, nhóm biên dịch đã gặp không ít khó khăn. Một số bài dịch từ chữ Hán, chữ Nôm, vốn có nhiều khái niệm trừu tượng, khó hiểu cũng như không có câu, từ tương đương trong tiếng Pháp; tác giả đồng thời là người dịch Hán - Nôm chỉ chuyển ý tóm lược, chẳng hạn như bài "Thi Hương" hay bài "Câu đối".

Thêm vào đó, một số địa danh hay tên người bị tác giả người Pháp viết sai, hoặc không dấu (tiếng Việt) gây nhiều khó khăn cho người dịch. Trong một số bài dịch từ chữ Hán, chữ Nôm, có nhiều sử tích và sự kiện lịch sử quá xa thời đại chúng ta hiện nay mà tác giả người Pháp đồng thời là người dịch không chú thích rõ ràng khiến người dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt (qua hai lần chuyển ngữ) rất khó để xác minh đúng hay sai sự kiện.

Do đó, nhóm tác giả dịch, hiệu đính, biên tập của cuốn sách đã tùy theo từng trường hợp trong bài viết để chấp thuận các giải pháp chuyển ngữ như chuyển ý, chuyển câu hoặc dịch từng từ sao cho sát ý để dễ hiểu và người đọc có thể chấp nhận được.

“Nước Nam một thuở” thuộc Tủ sách Lịch sử - Văn hóa, nằm trong dự án hợp tác giữa Omega Plus và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Đây có thể là một sự khởi đầu cho chuỗi các ấn phẩm được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tuyển chọn và giới thiệu đến với bạn đọc. Cuốn sách do Omega Plus và NXB Mỹ thuật liên kết xuất bản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm những góc nhìn về "Nước Nam một thuở"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.