(HNM) - Mặc dù còn mấy tháng nữa mới tới kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, song thời điểm này, các chủ trương liên quan đến kỳ thi đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo rộng rãi nhằm giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất.
Không còn phải học thuộc lòng
Trong quá trình ôn tập, cấu trúc đề thi được xây dựng thế nào là vấn đề được các thầy, cô giáo và học sinh quan tâm nhất. Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là không chỉ có nội dung kiến thức nằm trong chương trình lớp 12 như các năm trước, mà sẽ có thêm phần kiến thức của chương trình lớp 11.
Em Hoàng Thanh Huy (Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm) cho biết: “Em và các bạn đã được thông tin về chủ trương này từ năm học trước, tức là từ khi còn học lớp 11. Ngoài ra, ngay khi triển khai các bài dạy trên lớp, thầy, cô giáo cũng thường xuyên nhắc nhở, chốt lại những phần kiến thức quan trọng cần ghi nhớ nên em đã chủ động có kế hoạch ôn tập, không quá lo lắng vì dồn kiến thức”.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ có một số điều chỉnh. Ảnh: Nhật Nam |
Đề cập đến đề thi THPT quốc gia năm 2018, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, các nhà trường cần căn cứ theo đề thi minh họa các môn do Bộ ban hành để phổ biến cho học sinh. Về cơ bản, cấu trúc đề thi năm nay vẫn tương tự như năm trước. Học sinh cần lưu ý đề thi năm nay sẽ có thêm phần kiến thức lớp 11, tuy nhiên, phần nội dung kiến thức lớp 12 vẫn là chủ yếu.
“Đề thi năm nay gồm 2 phần, 1 phần thuộc khối kiến thức cơ bản, chiếm hơn 50% trong tổng số các câu hỏi của đề thi, còn lại là phần kiến thức nâng cao nhằm phân loại học sinh. Học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản đã có thể đạt điểm từ trung bình trở lên. Một lưu ý nữa là các câu hỏi của đề thi sẽ tăng cường yêu cầu ứng dụng kiến thức đã học, không bắt buộc các em phải học thuộc lòng nội dung. Vì vậy, các em không nên học thuộc lòng một cách máy móc hoặc "học tủ". Các em cũng cần nhớ, không cần học phần kiến thức trong nội dung đã được giảm tải, tránh ôm đồm” - ông Sái Công Hồng nhấn mạnh.
Theo ghi nhận tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP Hà Nội, hầu hết các đơn vị đều đang chuẩn bị tổ chức cho học sinh lớp 12 kiểm tra thử theo quy mô trường, cụm trường. Học sinh các trường THPT như Việt - Đức, Trần Phú (quận Hoàn Kiếm), Kim Liên (quận Đống Đa)... đã trải qua bài kiểm tra đợt 1 và đang khẩn trương chuẩn bị cho kỳ khảo sát của Sở GD-ĐT Hà Nội với toàn bộ học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố vào tháng 4 tới.
Nhiều cơ hội lựa chọn
Thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố cách thức xét tuyển năm 2018, trong đó hầu hết đều giữ nguyên việc xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, ưu tiên tuyển thẳng và xét tuyển học bạ với những học sinh có học lực giỏi hoặc đạt thành tích xuất sắc. Riêng với nhóm ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT đang dự kiến mở rộng diện xét tuyển thẳng với học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn mà học sinh đạt giải.
Những người có bằng trung cấp sư phạm loại giỏi trở lên hoặc có bằng trung cấp sư phạm loại khá và có ít nhất 2 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo cũng có thể sẽ được xét tuyển thẳng vào cùng ngành Sư phạm trình độ cao đẳng. Chủ trương này vừa nhằm nâng cao chất lượng “đầu vào” của ngành đào tạo giáo viên, vừa nhằm thu hút những người có học lực giỏi đầu quân vào ngành Sư phạm.
Đáng chú ý, từ năm 2018, trong danh mục ngành đào tạo trình độ đại học có thêm hơn 100 ngành mới, tăng khoảng gần 40% so với danh mục do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2010, nâng tổng số ngành đào tạo đại học hiện nay lên hơn 360 ngành.
Em Trần Hòa An (Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa) cho biết, rất hào hứng với một số ngành mới ở các lĩnh vực như khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, an ninh quốc phòng, khoa học xã hội và hành vi... Em dự kiến sẽ đăng ký nguyện vọng ngành An ninh quốc phòng.
Theo danh mục này, số ngành mới mở khá phong phú ở nhiều lĩnh vực. Ở khối ngành du lịch xuất hiện thêm một số ngành đào tạo hấp dẫn và đang có nhu cầu nhân lực khá lớn như bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, quản lý đô thị và công trình, an toàn thông tin...; khối ngành ngôn ngữ bổ sung ngành ngôn ngữ Chăm, ngôn ngữ Khmer, ngôn ngữ Ả Rập...
Đáng chú ý, lần đầu tiên, ở khối ngành đào tạo giáo viên có thêm nhiều ngành đào tạo sư phạm các tiếng dân tộc như tiếng Khmer, Jrai, X,Đăng... Cũng từ năm 2018, các trường đào tạo sư phạm còn được bổ sung ngành Sư phạm khoa học tự nhiên.
Với những điều chỉnh này, từ năm 2018 học sinh THPT có thêm nhiều lựa chọn ngành nghề theo khả năng, nguyện vọng. Đây cũng là cơ hội để các trường tăng nguồn tuyển, thể hiện năng lực nhằm mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường sử dụng lao động.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 gồm 5 bài thi: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Học sinh làm 3 bài thi bắt buộc gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Với bài thi ngoại ngữ, học sinh có thể chọn một trong các thứ tiếng là Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.