(HNMO) - Ngày 25-5, cơ quan Công an các địa phương đã bắt tạm giam các bị can là cán bộ Sở Y tế và CDC tỉnh Trà Vinh; Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long do sai phạm trong mua vật tư phòng, chống Covid-19 liên quan Công ty Việt Á và một số gói thầu mua sắm y tế khác.
Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 bị can để điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 7,6 tỷ đồng.
Các bị can bị khởi tố gồm: Trần Đắc Thanh (Phó Giám đốc Sở Y tế), Nguyễn Văn Lơ (nguyên Giám đốc CDC tỉnh), Lê Văn Thanh (Phó Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh thuộc CDC) và Nguyễn Văn Truyền (Chuyên viên Phòng nghiệp vụ dược - Sở Y tế tỉnh Trà Vinh).
Trong các năm 2021-2022, các bị can này đã phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) thực hiện 8 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế, kít xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 (tương ứng 8 hợp đồng, gồm 5 gói với Sở Y tế và 3 gói với CDC), tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, các bị can nêu trên đã có hành vi hợp thức hóa thủ tục đấu thầu, gây thiệt hại cho nhà nước với tổng số tiền khoảng 7,6 tỷ đồng (tại Sở Y tế khoảng 6,9 tỷ đồng, tại CDC khoảng 0,7 tỷ đồng).
Cùng ngày 25-5, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã phê chuẩn lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đoàn Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long và 2 thuộc cấp để điều tra hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến 11 gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế (bao gồm 6 gói thầu của đơn vị này với Công ty Việt Á). Đây là vụ việc do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao yêu cầu địa phương khởi tố điều tra.
Trước đó, năm 2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long thực hiện 6 gói thầu mua sắm với Công ty Việt Á về cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR. Tổng giá trị phê duyệt trúng thầu là hơn 24,13 tỷ đồng, đã thanh toán 24,1 tỷ đồng. 5 gói thầu còn lại với nhiều đơn vị có giá trị hơn 50 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều chứng từ trong các gói thầu này không ghi ngày tháng, ký tên, đóng dấu; không có biên bản đóng, mở thầu…; nhiều hợp đồng mua bán, chứng thư thực hiện hợp đồng chậm so với ngày hợp đồng có hiệu lực từ 2 đến 38 ngày.
Nổi bật nhất là gói thầu hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) và máy bơm bóng đối xung động mạch chủ trị giá 39 tỷ đồng, không đảm bảo tính pháp lý, có nhiều vi phạm trong quá trình thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.