Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm nhiều bông hoa đẹp

Hiền Chi| 28/08/2010 06:49

(HNM) - Chưa bao giờ phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực của TP Hà Nội lại nở rộ như những năm tháng Thủ đô sắp tròn nghìn tuổi. Cùng với các phong trào truyền thống, nhiều hoạt động mang tính chuyên đề đã được triển khai bài bản, sáng tạo, mang lại hiệu quả tích cực.

Đó chính là nền tảng vun đắp nên hàng nghìn tấm gương "Người tốt, việc tốt", tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đưa Thủ đô tiến dần tới mục tiêu văn minh, hiện đại.

Lễ tuyên dương “Người tốt, việc tốt” Thủ đô năm 2009. ảnh: Nhật Nam

Người người thi đua, ngành ngành thi đua

Thực hiện đúng tinh thần Thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gợi ý của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng "Hà Nội cần phát động phong trào thi đua "Người tốt việc tốt" xứng đáng là Thủ đô - trái tim của cả nước", nhiều năm qua, phong trào thi đua yêu nước của TP Hà Nội đã được duy trì và thu hút sự hưởng ứng, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các cấp, các ngành đều sôi nổi thi đua thực hiện các cuộc vận động, các phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Vì an ninh Tổ quốc", "Vì Thủ đô xanh, sạch, đẹp", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Lao động giỏi", "Tôi yêu Hà Nội"... Trong đó, nhiều hoạt động tiên phong đã mang lại hiệu quả thiết thực như "Gia đình láng giềng an toàn, văn hóa" (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy); "Xóa biển quảng cáo rao vặt trái phép, giữ gìn cảnh quan môi trường" (tổ dân phố số 4, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân); Báo Hànộimới với loạt bài tuyên truyền về cuộc chiến chống bụi, chống rác trên đường, rác trên tường…

Hằng năm, TP đều tổ chức trọng thể việc biểu dương "Người tốt việc tốt" trong lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 và xuất bản các tập sách "Những bông hoa đẹp". Mỗi năm có khoảng 1.000 đại biểu "Người tốt việc tốt", "Tập thể tốt", "Gia đình tốt" được lựa chọn từ hàng vạn "Người tốt việc tốt" ở các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô.

Đặc biệt, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 11-6 hằng năm là Ngày Truyền thống Thi đua yêu nước thì Hà Nội đã có một khí thế thi đua đặc biệt sôi nổi, phát huy sức mạnh mọi nguồn lực để tập trung triển khai Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ TP, các đoàn thể và các cấp trên địa bàn TP đều triển khai kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về Thăng Long - Hà Nội. Nhiều ấn phẩm có giá trị đã được xuất bản như bộ sách "Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long", "Lịch sử Thủ đô", tuyển tập thơ "Thăng Long - Hà Nội - ngàn năm thương nhớ"… Các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội bảo đảm chất lượng và tiến độ. Nhiều tỉnh, TP trong cả nước đã đăng ký công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và TP Hà Nội đã xét chọn, quyết định và tổ chức gắn biển 35 công trình của các bộ, ngành, tỉnh và TP trên địa bàn cả nước.

Thanh niên tình nguyện gom rác, làm sạch các tuyến đường trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam

Hiệu ứng tích cực

Với cách thực hiện thi đua bằng việc cụ thể hóa nội dung trên tất cả các lĩnh vực, tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và chỉ tiêu kinh tế, xã hội của năm nên TP Hà Nội đã triển khai tốt hầu hết các nhiệm vụ; nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm trước (giai đoạn 2006-2010, bình quân giá trị tăng thêm của ngành xây dựng tăng 10,3%/năm; ngành nông nghiệp tăng 1,75%; ngành du lịch tăng 10,15%). Kinh tế của TP đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 10,4%/năm, cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước. TP và các quận, huyện, thị xã đã tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng; rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết công việc trong lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị nên tỷ lệ công trình xây dựng có phép tăng dần. Năm 2009, Hà Nội được Bộ Xây dựng đánh giá là địa phương đứng đầu về quản lý trật tự xây dựng đô thị. Các hoạt động văn hóa - xã hội, y tế, thể dục thể thao, phòng, chống dịch bệnh, VSMT, ATVSTP được TP tập trung chỉ đạo sát sao. ANCT, TTATXH được giữ vững. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tập trung chỉ đạo, gắn với đẩy mạnh thực hiện CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, bước đầu tạo được chuyển biến, tiến bộ. Các TTHC được rà soát, hoàn thiện theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai và minh bạch hơn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết tốt hơn các yêu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Có thể nói, TP Hà Nội là một trong những địa phương tích cực hướng đến giá trị đích thực của thi đua. Ngoài việc thực hiện các danh hiệu Thi đua khen thưởng (TĐKT) theo quy định của Luật TĐKT, TP còn ban hành thêm nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng mang đặc thù riêng như "Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô", "Cúp Thăng Long", "Nghệ nhân Hà Nội", "Thủ khoa xuất sắc", "Nhà doanh nghiệp giỏi Hà Nội", "Sáng kiến sáng tạo Thủ đô"... Đặc biệt, gần đây, UBND TP đã khen thưởng đột xuất cho hàng trăm tập thể, cá nhân có việc làm bình dị mà cao quý.

Cùng với khen thưởng, các cấp, các ngành của TP đều chú trọng công tác nhân rộng điển hình tiên tiến. Những điển hình tiêu biểu thường xuyên được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng sức cổ vũ, động viên. Kết quả tiêu biểu trong nỗ lực xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến của UBND TP là việc mới ban hành quy chế xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" để tại Đại hội Thi đua yêu nước của TP hôm nay, có 10 "Công dân Thủ đô ưu tú" lần đầu tiên được tôn vinh. Họ đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc, dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực, là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo. Ðây là danh hiệu cao quý nhất mà TP phong tặng cho công dân Thủ đô, sẽ được xét và trao tặng vào dịp 10-10 hằng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm nhiều bông hoa đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.