(HNM) - Nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân Thủ đô ngày càng tăng, trong khi hạ tầng cấp nước đang quá tải, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Các đơn vị gấp rút thi công trạm thu nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống. |
Dự án chiến lược của thành phố
Báo cáo về công tác cấp nước sạch tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II-2018 cho thấy, hiện đã có 23 nhà đầu tư được chấp thuận triển khai 34 dự án cấp nước trên địa bàn thành phố. Trong đó, 4 dự án nguồn đang triển khai, hoàn thành trong năm 2018 với công suất tăng thêm 335.000m3/ngày đêm; 7 dự án nguồn hoàn thành trong giai đoạn 2019-2020, công suất tăng thêm hơn 1 triệu mét khối/ngày đêm.
Một trong những dự án hoàn thành trong năm 2018 là Nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư. Được khởi công từ tháng 3-2017 với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, gồm hai hợp phần chính là: Công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5ha tại xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm); tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76km phân bố trên hai quận Long Biên, Hoàng Mai, các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì và một số khu vực của tỉnh Hưng Yên.
Theo quy hoạch đến năm 2020, nhà máy nước đạt công suất 300.000m3/ngày đêm, chia thành hai kỳ đầu tư: Kỳ 1 đến tháng 10-2018, nhà máy sẽ vận hành kinh doanh với công suất 150.000m3/ ngày đêm; kỳ 2 đến năm 2020 công suất đạt 300.000m3/ngày đêm. Quy mô cấp nước của dự án định hướng đến năm 2030 sẽ đạt 600.000m3/ngày đêm và tối đa đến 900.000m3/ngày đêm vào năm 2050. Nhà máy được đầu tư công nghệ hiện đại với quy trình sản xuất, cung cấp nước đều được tự động hóa.
Theo Giám đốc Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống Đỗ Văn Định, nhờ sự chỉ đạo liên tục, sát sao của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố cùng các sở, ban, ngành, công tác đền bù giải phóng mặt bằng bàn giao đầy đủ 61,5ha đất cho chủ đầu tư triển khai dự án được thực hiện trong thời gian “kỷ lục” là 6 tháng. “Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục xây dựng cơ bản đã được hoàn thành 90%. Chủ đầu tư và các nhà thầu đang triển khai làm việc liên tục để nhanh chóng hoàn thiện dự án, phát nước thương mại chính thức vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-2018) theo đúng cam kết với Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong chuyến thăm và làm việc tại nhà máy vào tháng 3-2018 vừa qua” - ông Đỗ Văn Định khẳng định.
Bảo đảm chất lượng nước và môi trường
Đánh giá về nước mặt và nước ngầm trên địa bàn thành phố, ông Uwe Dechert (chuyên gia người Đức), quản lý kỹ thuật Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết, trữ lượng nước ngầm ở Hà Nội đang suy thoái và bị khai thác quá khả năng hồi phục, trong khi đó, nước mặt về lâu dài có thể bảo đảm được nguồn cung. Mặc dù ở một số tiêu chí nước mặt có thể ô nhiễm hơn nước ngầm nhưng công nghệ sản xuất hiện tại của nhà máy đã tính toán cả đến việc xử lý ô nhiễm trong tương lai. Ngoài ra, hệ thống cảnh báo đã được lắp đặt giúp cho nhà máy chủ động xử lý khi có sự cố ô nhiễm.
Ông Đỗ Văn Định cho biết, nguồn nước vào sẽ được kiểm soát chất lượng liên tục. Nguồn nước ra của nhà máy đáp ứng được 109 chỉ tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT và uống được tại vòi. Ngoài ra, ống truyền dẫn nước sử dụng vật liệu chất lượng cao, chịu lực tốt, được hàn kín bảo đảm vi khuẩn và các tác động bên ngoài không thể xâm nhập vào đường ống. Hiện chủ đầu tư đã có một số dự án mạng cung cấp nước sạch đến tận nhà người dân ở các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn. Về giá bán nước, nhà máy sẽ làm việc với thành phố cùng các đơn vị phân phối để đưa ra giá có thể chấp nhận cho các bên.
Nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên địa bàn TP Hà Nội, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Aquaone Tạ Đức Hoàng (cổ đông chính của Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống) cho biết, chủ đầu tư đang nghiên cứu và áp dụng giải pháp tái sử dụng đất, bùn thải vô cơ của nhà máy thành nguyên liệu làm gốm, gạch và cải hóa đất phục vụ nông nghiệp, đồng thời mặt bằng nhà máy cũng được tận dụng để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, trồng cây xanh phát triển du lịch sinh thái. Ông Tạ Đức Hoàng cũng đề xuất, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân Thủ đô sử dụng nước sạch, đồng thời tiết kiệm nước nhằm nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh nguồn nước trên địa bàn thành phố.
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung trên địa bàn thành phố khoảng 950.000 đến 1 triệu mét khối/ngày đêm, trong đó chủ yếu vẫn là nguồn nước ngầm (620.000m3), tiếp đó là nguồn nước mặt sông Đà (230.000m3-250.000m3); nguồn nước mặt sông Hồng khoảng 100.000m3-130.000m3. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.