(HNM) - Kỳ tuyển sinh đại học năm 2023 được kỳ vọng có khá nhiều thuận lợi với thí sinh, khi các trường không chỉ áp dụng đa dạng phương thức xét tuyển, mà còn mở thêm nhiều ngành mới, tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Các ngành mới mở đều là những ngành đang có xu hướng được tuyển dụng nhiều, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần cẩn trọng khi cân nhắc, quyết định nguyện vọng sao cho phù hợp, không nên chọn theo trào lưu mà tốn kém thời gian, công sức và kinh phí.
Tính đến giữa tháng 2-2023, đã có hơn 80 cơ sở đào tạo trong số hơn 200 cơ sở đào tạo trên cả nước công bố đề án tuyển sinh đại học; trong đó có các thông tin về phương thức xét tuyển, ngành đào tạo, chỉ tiêu cụ thể của từng ngành… Đáng chú ý, có khá nhiều trường mở thêm ngành đào tạo theo xu thế về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai.
Đơn cử, thí sinh ở Hà Nội có thể tìm hiểu thêm về ngành mới tuyển sinh năm nay của Trường Đại học Ngoại thương là Kinh tế chính trị và tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 4.100 sinh viên, tăng so với năm 2022. Còn Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh 63 ngành với tổng chỉ tiêu lên tới gần 8.000 sinh viên.
Năm nay nhà trường mở thêm 3 ngành: Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, Công nghệ vật liệu polymer và composit, Kỹ thuật sinh học. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mở mới các ngành: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh…, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh 7.500 sinh viên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, năm 2022, trường tuyển sinh hơn 4.600 sinh viên đại học chính quy với 36 ngành đào tạo, thì năm nay trường dự kiến tuyển sinh hơn 7.600 sinh viên cho 41 ngành. Như vậy, so với năm 2022, năm nay, Trường Đại học Phenikaa tăng hơn 3.000 chỉ tiêu, có thêm 5 ngành đào tạo mới, gồm: Kỹ thuật phần mềm, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Đông Phương học, Ngôn ngữ Pháp và Răng - hàm - mặt.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc các trường tăng chỉ tiêu, mở thêm nhiều ngành mới, là những ngành có xu thế phát triển, tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc lựa chọn, học tập ở đa dạng lĩnh vực. Song, thí sinh cần cân nhắc kỹ để chọn nguyện vọng theo năng lực cũng như các yếu tố liên quan, tránh chạy theo số đông để đến khi học được 1-2 năm mới thấy không phù hợp và bỏ dở. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) lưu ý, khi chọn trường, thí sinh hướng tới thị trường lao động trong 5-7 năm tới với nguyên tắc chọn nghề phù hợp với sở thích, chứ không phải cảm tính hoặc theo trào lưu. Thí sinh chỉ chọn khi đã hiểu đầy đủ về ngành nghề, như: Yêu cầu của nghề, điều kiện làm việc, tính chất, khó khăn…
Là phụ huynh có con học lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), ông Trần Anh Tuấn bày tỏ: “Nhiều trường lâu nay chỉ đào tạo ngành công nghệ, kỹ thuật, nay mở thêm ngành kinh tế; hoặc các trường chuyên đào tạo kinh tế lại có thêm ngành Y… cũng đặt ra nhiều băn khoăn. Tôi mong các trường sớm công khai điều kiện giảng dạy, thực hành cũng như cam kết bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đây là một trong những căn cứ thuyết phục để học sinh quyết định lựa chọn ngành học”.
Em Nguyễn Thị Hải An, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) chia sẻ: “Học sinh được thầy, cô giáo nhắc nhở phải nắm bắt đầy đủ thông tin về ngành mới, xu hướng phát triển, uy tín của nhà trường cũng như thông tin dự báo về nhân lực để có quyết định lựa chọn phù hợp nhất. Tuy nhiên điều này không dễ với em”.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu xã hội và người học, với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp chức năng, nhiệm vụ của trường, đáp ứng các điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất, giáo trình… Trong những năm gần đây, các nhà trường đã phát huy quyền tự chủ để mang đến nhiều cơ hội học tập cho người học. Để được mở ngành mới, các trường phải bảo đảm đủ điều kiện theo đúng quy định, song các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát việc thực hiện quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình với xã hội, nhằm tạo sự tin tưởng hơn cho người học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.