Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm ngành “dễ nuôi”, bớt ngành khó tuyển

Quỳnh Phạm| 04/01/2011 07:40

(HNM) - Mặc dù có những ngành học phải đóng cửa sau mùa tuyển sinh năm 2010, nhưng nhiều trường vẫn đang chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt cho phép mở một số ngành mới bắt đầu tuyển sinh năm 2011.

Các thí sinh có thể lựa chọn ngành học và những trường ĐH phù hợp với khả năng. Ảnh: Viết Thành


Không căn cứ số lượng giảng viên thỉnh giảng

Chưa công bố chính thức, song Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nêu lên tinh thần đổi mới trong điều kiện mở ngành: "Trung ương không làm việc thay địa phương, cấp trên không làm thay những việc mà cấp dưới có thể làm". Theo tinh thần này, Bộ không giao cho Vụ Giáo dục ĐH thẩm định mở ngành đối với chương trình đào tạo thạc sĩ, mà các hội đồng gồm các nhà khoa học có kinh nghiệm, có uy tín, có phẩm chất sẽ làm. Còn việc xác minh các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên sẽ do các địa phương thực hiện. Đặc biệt, chỉ có giảng viên cơ hữu mới được tính để xét các yếu tố về đội ngũ giảng viên, thay vì tính cả giảng viên thỉnh giảng như trước đây. Theo ông Phạm Vũ Luận, làm như vậy sẽ loại bỏ được sự nhập nhằng về điều kiện giảng viên, giúp cho "dưới không cần phải nói dối, trên cũng không phải lấp lửng".

Bên cạnh đó, dự thảo về quy định các điều kiện mở ngành đào tạo còn nêu rõ những trường hợp cơ sở đào tạo bị đình chỉ tuyển sinh: không tuyển sinh được trong 3 năm liên tiếp, vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ... Cơ sở đào tạo bị thu hồi quyết định mở ngành khi có hành vi gian lận để được phép mở ngành, tổ chức tuyển sinh và đào tạo tại địa điểm không đúng theo đề án đăng ký. Bộ GD-ĐT kỳ vọng những biện pháp chặt chẽ này sẽ chấn chỉnh hiệu quả các vi phạm, trong số đó có tình trạng phổ biến là trường ở Hà Nội có thể mang chỉ tiêu vào tận TP Hồ Chí Minh hay trường ở miền núi lại về Hà Nội để tuyển sinh.

Mở nhiều, đóng cũng không ít

Những điều kiện được báo trước là khắt khe hơn có vẻ như không làm ảnh hưởng tới quyết tâm mở rộng ngành đào tạo của một số trường. Bằng chứng là hiện có nhiều trường đang nóng lòng chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt một số ngành mới.

Trường ĐH Nguyễn Trãi cho biết nếu được bộ đồng ý, năm 2011 sẽ bắt đầu tuyển sinh 2 ngành mới là kỹ thuật công trình xây dựng và kỹ thuật môi trường. Trưởng phòng Đào tạo Học viện Báo chí và tuyên truyền, ông Nguyễn Phúc Thanh thông tin, trường dự kiến mở thêm 2 chuyên ngành là chính sách công và công tác xã hội. Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị mở 2 ngành rất thời thượng là đạo diễn sự kiện văn hóa và nghệ thuật dẫn chương trình. Trường ĐH Tài chính - Marketing dự kiến mở chuyên ngành thuế. Nhiều trường ĐH địa phương cũng đề nghị được mở thêm ngành. Trường CĐ Công nghiệp Quảng Ninh muốn mở thêm tới 5 ngành học là công nghệ kỹ thuật cơ điện, công nghệ kỹ thuật điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử, quản trị kinh doanh và kỹ thuật trắc địa bản đồ; Trường ĐH Hà Tĩnh mở thêm 3 ngành là tài chính ngân hàng, marketing, Việt Nam học...

Nhìn vào danh sách trên không khó để nhận thấy, phần lớn những ngành đang chờ được mở đều "dễ nuôi", dễ thu hút đầu vào cũng như đầu ra. Còn với những ngành khó tuyển, việc đóng cửa ngành cũng diễn ra phổ biến. Trường ĐH Nông - Lâm TP Hồ Chí Minh năm nay sẽ ngừng tuyển sinh ngành song ngữ Pháp - Anh sau nhiều năm không tuyển được thí sinh. Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng có thể ngừng tuyển các ngành sư phạm giáo dục đặc biệt, sư phạm giáo dục thể chất - giáo dục quốc phòng. ĐH An Giang đã quyết định dừng đào tạo 5 ngành: sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, sư phạm sinh - kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi và bậc CĐ sư phạm âm nhạc. Ngay cả một vài trường ĐH mạnh thường có điểm chuẩn cao ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đang đặt vào danh sách đóng cửa một số ngành như ngành khí tượng - thủy văn - hải dương học, khoa học đất, địa chất, địa lý...
Nói về tình trạng này, tại hội nghị tuyển sinh 2011 của Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội), lãnh đạo nhà trường đã thừa nhận: Hiện xã hội không còn tha thiết với các ngành khoa học cơ bản nữa bởi điểm thi đầu vào cao, học tập vất vả nhưng khi ra trường thu nhập lại thấp. Các chuyên gia tuyển sinh của trường đã đề nghị nhà trường tạm dừng tuyển sinh với một số ngành học, chương trình đào tạo khó tuyển và tìm hiểu thêm về nhu cầu xã hội và tăng chỉ tiêu cho các ngành dễ tuyển, có nhu cầu xã hội cao. Tuy nhiên, đại diện nhà trường khẳng định, đối với một số ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh nhưng là nhiệm vụ chiến lược, có vai trò quan trọng trong phát triển nhân lực của đất nước, nhà trường sẽ đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội linh động trong áp dụng điểm sàn để thu hút thí sinh đăng ký, có ưu đãi đặc biệt cho cán bộ và SV trong các ngành này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm ngành “dễ nuôi”, bớt ngành khó tuyển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.