Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm một “tiếng chuông” báo động

Đức Hải| 27/11/2011 14:54

(HNMO)- Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước số vụ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, bình quân mỗi năm có hàng trăm vụ vi phạm đã bị xử lý.

Mới đây, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ kết hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế C46 (Bộ Công an) đã thanh tra đột xuất và phát hiện nhiều sảm phẩm cửa cuốn của Công ty TNHH cửa cuốn Úc Vinh Quang (gọi tắt là Công ty Vinh Quang) xâm phạm nhãn hiệu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Tân Trường Sơn (gọi tắt là Công ty Tân Trường Sơn)…

Sản xuất hàng loạt sản phẩm vi phạm nhãn hiệu

Ngày 7/10/2011, Đoàn thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã bất ngờ đọc quyết định thanh tra đột xuất tại trụ sở Công ty Vinh Quang số 180 Tô Hiệu, phường Trại Cau, quận Lê Chân (Hải Phòng). Trong số nhiều sản phẩm cửa cuốn được giới thiệu tại đây, có mẫu sản phẩm trên thanh nhôm có gắn dấu hiệu Gerwandoor đã được bảo hộ của Công ty Tân Trường Sơn (địa chỉ: 3/357 Bạch Đằng, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tuy nhiên, cùng có mặt tại hiện trường Giám đốc Kinh doanh của Tân Trường Sơn khẳng định, đây không phải sản phẩm do công ty mình sản xuất.

Cơ quan thanh tra kiểm tra hiện trường


Đoán định trước được những biểu hiện nghi vấn này, Đoàn thanh tra đã cử một lực lượng trong đoàn tiến hành thanh tra tại cơ sở sản xuất của Công ty Vinh Quang tại địa chỉ 402 Trần Nhân Tông, phường Nam Sơn, quận Kiến An (Hải Phòng). Qua đó, phát hiện trên thanh nhôm có gắn dấu hiệu GemanRodoor. Tiếp tục kiểm tra, đoàn thanh tra đã phát hiện 08 bộ sản phẩm cửa cuốn này đang trong quá trình hoàn thiện và đóng gói chuẩn bị đi tiêu thụ. Đây là những dấu hiệu ban đầu cho thấy có nhiều điểm tương tự đến mức gần giống với nhãn hiệu của Công ty Tân Trường Sơn.

Theo ông Phạm Văn Toàn, Trưởng đoàn Thanh tra, căn cứ theo hồ sơ đã tra cứu, căn cứ vào nhãn hiệu Công ty Vinh Quang đang sử dụng trên sản phẩm, đối chiếu với văn bằng đã được bảo hộ cho công ty Tân Trường Sơn, kết luận ban đầu thì việc sử dụng dấu hiệu GemanRodoor xâm phạm đến nhãn hiệu đang được bảo hộ cho công ty Tân Trường Sơn.

Có thái độ thách thức, bất hợp tác với cơ quan thanh tra, Phó Giám đốc Công ty Vinh Quang cho rằng, “công ty tôi không có một mẫu mã nào giống của Tân Trường Sơn. Chẳng có gì giống nhau, khác rất nhiều từ trên dấu hiệu, chả biết các anh đang nói về chuyện gì…”. Trong khi đó, Kế toán của công ty quả quyết “ nếu chỉ sai một chữ thì không có căn cứ để kết luận sản phẩm của chúng tôi xâm phạm nhãn hiệu của Tân Trường Sơn”. Điều này không những trái pháp luật mà còn hết sức mâu thuẫn bởi, khi Đoàn thanh tra yêu cầu công ty Vinh Quang xuất trình văn bằng đã được bảo hộ cho nhãn hiệu mà họ cho rằng không vi phạm thì công ty không cung cấp được. Không thể tiếp tục phản ứng vị kế toán thoái thác “có thể chúng tôi sai về pháp luật khi chưa được cấp nhãn hiệu đã sản xuất rồi”.

Dấu hiệu in ở tấm xốp bọc ngoài cũng xâm phạm nhãn hiệu


Ông Toàn khẳng định, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ra giám định và kết luận “việc Công ty Vinh Quang gắn dấu hiệu GemanRodoor trên sản phẩm, trên catalog là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ cho Tân Trường Sơn”. Đồng thời, trên sản phẩm của Công ty Vinh Quang giữa các cách trình bày trên các tài liệu giao dịch, cattalog cácvidit cũng rất tương tự với cách trình bày của Công ty Tân Trường Sơn…

Ảnh nhãn hiệu vi phạm


Bao nhiêu sản phẩm vi phạm đã tiêu thụ?

Được biết, trước thời điểm cơ sở sản xuất của Công ty Vinh Quang bị thanh tra thì số lượng đơn hàng đối với riêng sản phẩm cửa cuốn có gắn dấu hiệu xâm phạm của Công ty Tân Trường Sơn khá nhiều và tần suất giao hàng cũng không hề ít. Thậm chí, đơn hàng dồn dập trong khoảng 2- 3 tháng trở lại đây.

Khó kiểm soát được xe của công ty Vinh Quang đã tiêu thụ được bao nhiêu sản phẩm vi phạm


Đặc biệt so với các sản phẩm cửa cuốn khác thì những lô hàng này được sản xuất trong khoảng thời gian nhanh hơn, khâu in phun dấu hiệu GemanRodoor chỉ được thực hiện trước khi xuất xưởng chừng vài chục phút. Một nhân viên kỹ thuật nhận định, dấu hiệu vi phạm được in theo một kỹ thuật tương đối hiện đại. Bề mặt sơn cũng khá giống với sản phẩm của Tân Trường Sơn, tuy nhiên quan sát thanh nhôm trước khi được sơn thì chất lượng khá thấp và mỏng.

Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã kí Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp đối với Công ty Vinh Quang
Tổng kết công tác xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Hội nghị toàn quốc về quản lý sở hữu trí tuệ tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 11 vừa qua, ông Hoàng Văn Tân Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, trong năm 2011, trên cả nước đã có 1.561 vụ vi phạm về nhãn hiệu đã bị xử lý với số tiền phạt hơn 9 tỉ đồng; 107 vụ vi phạm kiểu dáng công nghiệp bị xử lý với số tiền phạt trên 264 triệu đồng và 4 vụ vi phạm sáng chế/giải pháp hữu ích bị xử lý với số tiền phạt 10 triệu đồng. Và theo số liệu báo cáo không đầy đủ từ các địa phương, từ tháng 7- 2010 đến tháng 6-2011 có 39 vụ vi phạm về chỉ dẫn địa lý với tổng số tiền phạt trên 18 triệu đồng. Trong giai đoạn 2006- 2011 có hơn 4.000 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bị xử lý, trong đó riêng năm 2010 đã xử lý 1.632 vụ, với tổng số tiền phạt lên tới gần 4,6 tỉ đồng.


Qua dấu hiệu đã điều tra và quan sát, có thể thấy lượng sản phẩm vi phạm sở hữu công nghiệp của công ty Vinh Quang đã tiêu thụ ngoài thị trường là khó có thể kiểm soát hết. Như vậy, thiệt hại cả về vật chất và thương hiệu mà công ty Tân Trường Sơn đang bị công ty Vinh Quang xâm hại nhãn hiệu cũng khó đo đếm hết được. Do đó, việc xử lý nghiêm những vi phạm, tái kiểm, hậu kiểm là hết sức cần thiết để đem lại một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.


Ngày 1/11/2011, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã kí Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp đối với Công ty Vinh Quang. Phạt tiền 66 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và cảnh cáo đối với hành vi, vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (gắn dấu hiệu (R trong vòng tròn) gây ra nhầm lẫn cho người tiêu dùng cũng như chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý của quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu). Buộc công ty Vinh Quang loại bỏ yếu tố vi phạm “GemanRodoor” được gắn trên 08 bộ cửa cuốn; loại bỏ dấu hiệu đó dưới sự chứng kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm một “tiếng chuông” báo động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.