(HNM) - Đội ngũ thuyết minh viên (TMV), hướng dẫn viên (HDV) điểm đến ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc cũng như quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Trong mỗi chuyến hành trình, du khách không chỉ thăm thú cảnh quan mà còn muốn khám phá truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của người dân bản địa. Vì vậy, bên cạnh đội ngũ HDV của các công ty lữ hành, những TMV tại điểm đến đang trở thành "mắt xích" quan trọng kết nối giá trị văn hóa lịch sử của mỗi địa danh với du khách, giúp họ có thêm những trải nghiệm thú vị và cảm thấy hài lòng hơn với hành trình của mình.
Đội ngũ thuyết minh viên du lịch rất cần được đào tạo cơ bản. Ảnh: Linh Ngọc |
Trong Luật Du lịch, TMV là những người làm công tác thuyết minh, hướng dẫn, tuyên truyền - giáo dục tại chỗ cho du khách ở các di sản, khu di tích lịch sử - văn hóa, bảo tàng, khu đa dạng sinh học, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… Họ được ban quản lý những nơi này đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn và cấp thẻ hành nghề. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Tổng cục Du lịch từ hơn 6.000 phiếu điều tra (khoảng 80% TMV trên toàn quốc) cho thấy, công tác đào tạo và quản lý TMV tại các điểm đến chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó thể hiện ở trình độ văn hóa của đội ngũ TMV không đồng đều, đặc biệt là kỹ năng nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ còn yếu. Bên cạnh những người có bằng đại học và được đào tạo cơ bản, có không ít TMV hành nghề bằng vốn hiểu biết có từ những kinh nghiệm góp nhặt trong công việc hằng ngày mà chưa qua đào tạo chuyên ngành. Tại các địa danh có bề dày lịch sử, văn hóa, nhất là các di sản thế giới, vì thiếu kiến thức nên TMV khó có thể truyền tải hết những giá trị to lớn của điểm đến. Đây là một trong những lý do làm cho địa danh kém sức hút với du khách.
Đào tạo, bồi dưỡng cho TMV là vấn đề không dễ giải quyết. Đơn cử như tại Cao nguyên đá Đồng Văn. Ngày 3-10-2010, hồ sơ "Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn" (Hà Giang) đã được Hội đồng Tư vấn mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu. Sự kiện này mở ra cơ hội to lớn cho việc phát triển du lịch vùng cực bắc Tổ quốc. Nhưng từ đó đến nay, ở đây vẫn thiếu đội ngũ HDV, TMV và nếu có thì năng lực yếu. Ông Ma Ngọc Giang, Phó Trưởng ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu này cho biết, dù biết rằng trình độ, khả năng của những người truyền tải giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan, văn hóa của các dân tộc trên cao nguyên đá đến du khách còn kém nhưng chúng tôi đang rất lúng túng trong việc cung cấp kỹ năng cũng như kiến thức cho họ. Để khắc phục nhược điểm này, chính quyền địa phương đã tổ chức các khóa đào tạo cho TMV. Nhưng khi mời được những giảng viên có khả năng thuyết trình thì kiến thức về di sản và địa chất của họ lại không đáp ứng được yêu cầu. Ngược lại, những người am hiểu về giá trị của Công viên Địa chất toàn cầu thì lại không có phương pháp truyền đạt tốt.
... đến sự vào cuộc cấp thiết
Làm thế nào để không xảy ra tình trạng khách tham quan khi xem một phong cảnh mà thiếu đi màu sắc, nhìn một hiện vật mà không hiểu nguồn gốc, đi vào rừng mà không ai dẫn đường…? Câu trả lời nằm ở đội ngũ HDV, TMV. Giúp họ làm tốt vai trò cầu nối giữa điểm đến và du khách không chỉ là việc của riêng địa phương mà còn là của ngành du lịch.
Từ năm 2009 đến 2011, UNESCO đã thí điểm chương trình "Đào tạo HDV di sản tại Quảng Nam", một chương trình đào tạo khá mới mẻ. Thông qua chương trình này, UNESCO đã cung cấp cho 140 học viên tại các điểm di sản Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm những thông tin toàn diện về di sản thế giới cùng với những kiến thức đặc thù của từng địa danh. Trực tiếp tham gia quá trình đào tạo trên, TS Phạm Trương Hoàng, giảng viên Khoa Du lịch (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, trước khi tham gia khóa học của UNESCO, kiến thức về giá trị di sản ở mỗi học viên không đồng nhất; kỹ năng và kinh nghiệm hướng dẫn cũng chưa đủ. Sau khóa học, kiến thức của từng người được nâng lên rõ rệt và họ cũng nhận thức được tầm quan trọng của chương trình đào tạo này. "Lâu nay, TMV giống như cầu thủ nghiệp dư chỉ biết "đá bóng ở sân làng", tức là có khách đến thì hướng dẫn. Nhưng khi được học một cách bài bản, chúng tôi hiểu được "cách đá" như thế nào cho đúng luật, làm thế nào để du khách hài lòng. Ngay bản thân tôi lúc đầu cũng nghĩ rằng, với thâm niên và bề dày kinh nghiệm trong nghề hướng dẫn thì cần gì phải học. Thế nhưng, khóa học đã giúp tôi thay đổi suy nghĩ đó và thấy rằng HDV, TMV có được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp mới có thể giúp du khách hiểu và yêu di sản, góp phần vào việc bảo tồn di sản", bức thư của một HDV tiếng Pháp kỳ cựu sau khi tham gia khóa học đã viết như vậy.
Việc nâng cao chất lượng TMV, HDV không chỉ mang lại sức hấp dẫn cho mỗi địa danh mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Trong tương lai, bộ công cụ "Giáo trình đào tạo HDV di sản" trên sẽ được UNESCO và Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam (Tổng cục Du lịch) hiệu đính cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế để có thể phổ biến cho đội ngũ TMV, HDV ở các khu di sản, khu bảo tồn và điểm đến trên cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.