(HNM) -
Thực ra, việc xuất hiện một đề thi "mở" không phải là chuyện mới. Thế nhưng, với một đề thi tốt nghiệp THPT giàu tính nhân văn, đặc biệt là rất có tính thời sự và gắn với hiện thực cuộc sống, rõ ràng ngành giáo dục - đào tạo đã ghi được một "điểm cộng" đối với dư luận xã hội.
Phần thi nghị luận trong đề thi môn ngữ văn ngày hôm qua cũng đã "đánh thức" ký ức của nhiều người về vụ việc xảy ra trước đó 2 tháng. Chiều 30-4-2013, em Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7, Trường THPT Đô Lương 1, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) sau khi nhảy xuống dòng sông Lam cứu được 5 học sinh thì kiệt sức, bị nước cuốn trôi. Báo chí đã đăng tải, biểu dương tấm gương dũng cảm này. Chủ tịch nước đã gửi thư khen ngợi Nam và động viên gia đình em…
Trở lại với đề thi ngữ văn hôm qua. Mổ xẻ nguyên nhân "tạo sóng" dư luận (theo nghĩa tích cực) có thể thấy một đề thi nếu nêu được tình huống cụ thể, gần gũi hiện thực cuộc sống, có giá trị nhân văn cao, có ý nghĩa giáo dục về lòng nhân ái, lối sống cao đẹp… không những sẽ tránh được lối nghĩ sáo mòn, sách vở, mà còn dễ khơi gợi những cảm xúc chân thành, tư duy sáng tạo của học sinh (việc rất nên làm trong bối cảnh một bộ phận giới trẻ đang có biểu hiện tha hóa, xuống cấp về đạo đức, lối sống). Một đề thi, hay một bài giảng như thế có tác dụng tuyên truyền, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ không kém các phương tiện báo chí, truyền thông.
2. Một thông tin đáng chú ý nữa trong ngày 2-6, đó là bác sĩ Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, xác nhận bệnh nhi Trần Trung Anh, 10 tuổi, được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngạt nước, đã tử vong đêm 1-6.
Từ đầu hè đến nay đã có không ít thông tin về trẻ bị đuối nước. Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho thấy, hai tháng gần đây trên địa bàn thành phố xảy ra gần hai chục trường hợp trẻ từ 3 đến 14 tuổi tử vong do đuối nước. Một thống kê đáng báo động khác - do Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện - đó là mỗi năm nước ta có khoảng 3.500 trẻ chết đuối. Đáng chú ý là những chuyện đau lòng này phần lớn xảy ra ở địa bàn nông thôn, có địa hình nhiều sông hồ, đời sống kinh tế - xã hội khó khăn. Những thống kê trên phần nào cho thấy một thực tế: Bên cạnh rất nhiều kiến thức học sinh được "nhồi nhét" trong suốt 12 năm "mài đũng quần" ở các cấp học phổ thông, còn một kiến thức cần thiết - gọi cho đúng thì đó là kỹ năng giúp các em sống sót - đã bị người lớn bỏ quên.
Hai câu chuyện tưởng như ít liên quan, thế nhưng lại có một điểm chung. Rõ ràng là đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm nay ít nhiều cho thấy dấu hiệu đổi mới của nền giáo dục nước nhà. Thế nhưng, dù muốn hay không thì nó cũng đã xới xáo lại một vấn đề không mới, đó là sự trống vắng của môn bơi lội, cũng như nhiều kỹ năng sống khác, trong nội dung giáo dục ở bậc học phổ thông. Và để khắc phục được điều này không phải quá khó, mà chỉ cần ngành giáo dục bớt đi những tiết học vô bổ; cha mẹ dành chút thời gian đưa con đi học bơi; các cấp chính quyền cắt giảm những chi tiêu không cần thiết… Tất cả những việc đó sẽ tăng thêm cơ hội sống sót cho nhiều thế hệ trẻ em nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.