(HNM) - Hy vọng về nền hòa bình cho cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 8 ở Syria vừa mới được nhen nhóm, khi các biện pháp quân sự đang dần được thay thế bằng giải pháp chính trị và ngoại giao, lại đứng trước nguy cơ bị dập tắt.
Nền hòa bình vừa nhen nhóm tại Syria đang đứng trước nguy cơ bị dập tắt. |
Một năm sau khi Mỹ dùng tên lửa Tomahawk để trả đũa cuộc tấn công được cho là sử dụng chất độc thần kinh sarin ở thị trấn Khan Sheikhoun, quân đội Syria một lần nữa bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.
Washington cho rằng, lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad đã thả nhiều quả bom chứa khí độc xuống thị trấn Douma do phiến quân kiểm soát vào ngày 7-4, khiến gần 50 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là dân thường. Cả Syria và Nga khẳng định, đây là cáo buộc vô căn cứ nhằm bôi nhọ lực lượng quân đội của họ.
Theo Tổng thống Mỹ D.Trump, Nga và Iran phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công trên vì đã hậu thuẫn Tổng thống B.Al-Assad, đồng thời cảnh báo chính quyền Syria có thể phải trả giá đắt nếu tìm được bằng chứng khẳng định vụ tấn công bằng vũ khí hóa học kể trên do lực lượng chính phủ tiến hành. Người đứng đầu nước Mỹ thậm chí đã hủy chuyến công du chính thức đầu tiên tới Mỹ Latinh trong tuần này để tập trung ứng phó với vụ tấn công tình nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Trong cuộc họp với nội các ngày 9-4, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ đưa ra “quyết định lớn” đáp trả các cáo buộc về vụ tấn công giết người hàng loạt ở Syria trong vòng 24 đến 48 giờ tới; đồng thời không loại trừ biện pháp quân sự.
Trước nguy cơ leo thang căng thẳng, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có hai phiên họp khẩn liên tiếp trong ngày 9-4 để thảo luận về vụ việc. Tuy nhiên, cả dự thảo nghị quyết mà Mỹ và Nga đệ trình hoặc không được đưa ra bỏ phiếu hoặc bị phủ quyết. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ngày 10-4 thông báo, các thanh sát viên của cơ quan này sẽ tới Syria để tìm sự thật.
Trong khi đó, Mỹ và Anh đang điều lực lượng hải quân hùng hậu gồm tàu chiến, máy bay, trong đó có tàu khu trục U.S.S. Donald Cook mang theo hàng chục tên lửa hành trình áp sát bờ biển Syria. Trong một bước đi mới nhất, Pháp đã trở thành đồng minh tiếp theo của Mỹ cảnh báo sẽ có hành động nếu Syria thực sự vượt qua “ranh giới đỏ” bằng việc sử dụng vũ khí hóa học.
Đáp lại các hành động đe dọa quân sự kể trên, Nga đã lập tức cho xuất kích máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50 tại hai tỉnh Latakia và Tartus dọc bờ biển Syria để theo dõi mọi động tĩnh. Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga cũng được đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Quân đội Chính phủ Syria cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao và thực hiện biện pháp phòng ngừa tại các căn cứ trên khắp cả nước.
Diễn biến mới nhất xuất hiện trong lúc cuộc khủng hoảng tại Syria đang bước vào thời điểm then chốt, khi cán cân được cho là đang nghiêng về phía có lợi cho lực lượng của Tổng thống B.Al-Assad. Rất khó có thể dự đoán Mỹ và các đồng minh phương Tây có trở lại can dự sâu vào cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này hay không.
Tuy nhiên, hành động quân sự nếu xảy ra sẽ “đổ thêm dầu” vào chảo lửa Syria, đẩy tình hình nước này vào bế tắc và khiến Mỹ có nguy cơ vướng vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga trong bối cảnh quan hệ hai bên đang được đánh giá là ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.