(HNM) - Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở của thành phố Hà Nội đã duy trì mạng lưới hòa giải viên ở khắp các địa bàn dân cư. Nhờ tham gia tích cực vào công tác hòa giải ở cơ sở, cán bộ mặt trận đã góp phần giúp các cấp chính quyền nâng cao hiệu quả quản lý xã hội, hạn chế những vụ việc mâu thuẫn, khiếu kiện, giúp “tình làng nghĩa xóm” thêm bền chặt.
Giải quyết thấu tình, đạt lý
Thời gian gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh trên địa bàn phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) nên có thời điểm xảy ra nhiều vụ mâu thuẫn trong nhân dân như tranh chấp đất đai, vi phạm trật tự xây dựng… Mỗi khi có mâu thuẫn, người dân lại tìm đến các tổ hòa giải để tìm sự sẻ chia và hướng giải quyết. Không ngại khó, ngại va chạm, thành viên các tổ hòa giải ở từng tổ dân phố luôn tích cực vào cuộc, tìm cách hóa giải mâu thuẫn, bức xúc của người dân. Bà Nguyễn Thị Hồng Bảy, đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Xuân Tảo chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của cộng đồng, nhiều gia đình trên địa bàn phường đã dần ổn định cuộc sống, gắn kết tình làng nghĩa xóm”.
Trong khi đó, những năm trước, tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp ở thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường (huyện Ba Vì) xảy ra khiến các cấp chính quyền trăn trở. Trước tình hình đó, ông Nguyễn Quang Thu, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, kiêm thành viên tổ hòa giải của thôn đã cùng lãnh đạo địa phương thường xuyên “rà từng ngõ, gõ từng nhà” để làm công tác tuyên truyền, vận động. “Có trường hợp không chỉ đến tuyên truyền, vận động một lần mà chúng tôi phải đi lại nhiều lần, phân tích thấu tình, đạt lý để người dân hiểu, đồng thuận với chủ trương của cấp ủy, chính quyền, hóa giải những khúc mắc của họ”, ông Thu chia sẻ. Với cách làm này, từ năm 2018 đến nay, người dân thôn Thanh Chiểu đã đồng thuận hơn, khiến việc dồn điền, đổi thửa của thôn đạt 100%, công tác giải phóng mặt bằng xây dựng cầu Văn Lang và trục đường liên xã Phú Cường - Tản Hồng đoạn qua thôn Thanh Chiểu với diện tích hơn 70.000m2 không có đơn thư khiếu kiện.
Còn với các thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mê Linh, khi tham gia vào tổ hòa giải ở thôn cũng đã chọn cách “mưa dầm thấm lâu” để đạt hiệu quả cao trong công việc. “Trong năm 2020, các địa phương đã hòa giải thành công 49/73 vụ, đạt tỷ lệ 67,1%, góp phần giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trên địa bàn dân cư”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mê Linh Hoàng Văn Tân cho biết.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân cho biết: Năm 2020, cán bộ mặt trận cùng các thành viên trong tổ hòa giải ở cơ sở của thành phố đã hòa giải thành công hơn 800 vụ việc trong nhân dân, góp phần giải quyết các mâu thuẫn từ sớm, giảm đơn khiếu nại, tố cáo, ổn định tình hình địa phương. Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật tới người dân, củng cố đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở.
Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và Sở Tư pháp Hà Nội luôn phối hợp chặt chẽ để tập huấn nghiệp vụ, cung cấp tài liệu cho cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở. Để hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Tư pháp để xây dựng mạng lưới hòa giải viên; phối hợp hòa giải theo hình thức liên khu dân cư, liên xã khi có vụ việc tại khu vực giáp ranh.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Mặt trận cấp huyện, cấp xã đã chủ động lồng ghép hoạt động hòa giải vào các phong trào, cuộc vận động hướng về cơ sở, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Là địa phương đã phối hợp hòa giải thành công 52/55 vụ việc trong năm 2020, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hai Bà Trưng Trần Lưu Hoa cho biết: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận khuyến khích cán bộ mặt trận tham gia vào tổ hòa giải để phối hợp với chính quyền tháo gỡ những tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ, tránh để vụ việc bức xúc kéo dài”.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm công tác hòa giải ở địa bàn dân cư, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) Lê Đình Can xác định: “Mỗi hòa giải viên phải tiếp tục trau dồi kiến thức, nắm vững chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và tế nhị, hài hòa, phân tích có tình, có lý mới có thể xoa dịu không khí căng thẳng của các bên liên quan”.
Luôn thực hiện phương châm “việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ thành không có gì”, cán bộ mặt trận tham gia vào công tác hòa giải đang góp phần vun đắp, gìn giữ đoàn kết cộng đồng, hóa giải mâu thuẫn, tạo bình yên cho từng khu phố, cụm dân cư trên địa bàn Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.