Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thềm bậc Điện Kính Thiên và ba bảo vật quốc gia mới tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long

Nguyễn Thanh| 31/01/2023 11:52

(HNMO) - Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, sáng 31-1, đã thông tin về các cổ vật được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt mới nhất.

Theo đó, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long có thêm 4 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm: Thềm bậc Điện Kính Thiên; Bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê; Đầu rồng thời Trần; Súng thần công thời Lê Trung Hưng.

Thềm bậc Điện Kính Thiên cho thấy quy mô hoành tráng của cung điện quan trọng bậc nhất tại Hoàng thành Thăng Long xưa.

Cụ thể, Thềm bậc Điện Kính Thiên là một trong những hạng mục của Điện Kính Thiên xưa còn lại đến ngày nay, phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện đời vua Lê Thánh Tông, trên núi Nùng, ngay nền cũ cung Càn Nguyên - Thiên An của thời Lý - Trần. Đây là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự cũng như đón tiếp sứ giả nước ngoài, tiến hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình.

Cặp thành bậc Điện Kính Thiên được xác định niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) có cấu trúc và hoa văn trang trí hoàn toàn giống nhau, gồm tượng rồng ở phần trên và các họa tiết trang trí ở mặt ngoài, trong tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc.

Mặt ngoài lan can hình tam giác có đường diềm chạm một nửa hình hoa liên tiền nối tiếp nhau, góc tạo bởi 2 đầu cánh hoa chạm một nửa hình hoa cúc. Bên trong khung hình tam giác vuông, chạm đề tài cá hóa rồng trong đầm sen. Trong đầm còn có uyên ương bơi lội trên sóng nước, các cụm sóng có tạo nổi sóng bạc ba ngọn. Nổi trên các con sóng là đồ án nụ - hoa - lá sen, trên đỉnh là cụm mây. Không gian nơi này trở thành một di tích “kép” cho cả hai thời đại: Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa và Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam - di tích lịch sử quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam.

Bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ khác nhau về kích cỡ, kiểu dáng nhưng đồng nhất về hoa văn trang trí.

Bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ thuộc thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI gồm hai bát và năm đĩa, khác nhau về kích thước, bố cục hoa văn, song đồng nhất về đề tài và kỹ thuật trang trí, gồm: Đồ án hoa văn đôi rồng bay lượn và nối đuôi nhau theo chiều kim đồng hồ, đồ án rồng cuộn, đồ án cánh sen, đồ án hoa liên tiền (hay còn được gọi là hoa chanh), đồ án hồi văn.

Cũng trong đợt này, tại khu di sản còn có cổ vật Đầu rồng thời Trần được công nhận là bảo vật quốc gia. Hiện vật bằng đất nung được xác định là một bộ phận trang trí quan trọng trên bộ mái kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc thời Lý - Trần nói riêng. Đầu rồng là minh chứng sinh động cho sự tiếp nối và kế thừa nghệ thuật thời Lý của nghệ thuật tạo hình thời Trần, qua đây cũng thấy được những biến chuyển của nghệ thuật thời Trần so với nghệ thuật thời Lý.

Đầu rồng thời Trần.

Cổ vật thứ tư được công nhận là bảo vật quốc gia đợt này của khu di sản là Súng thần công thời Lê Trung Hưng, được sử dụng ở Đại Việt từ cuối thời Trần, khoảng cuối thế kỷ XIV. Cổ vật có hình trụ tròn gồm 4 phần: Miệng súng, thân súng, bầu súng và chuôi súng. Súng không có trục quay (trục điều hướng), quai và núm, cho thấy công nghệ đúc súng của Đại Việt và sau này là Đại Nam đã đạt đến trình độ cao.

Súng thần công thời Lê Trung Hưng.

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, trung tâm sẽ sớm có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị các cổ vật được công nhận bảo vật quốc gia đợt này, qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa, cũng như tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thềm bậc Điện Kính Thiên và ba bảo vật quốc gia mới tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.