(HNM) - Qua 2 tháng thí điểm sử dụng vé xe buýt bằng thẻ thông minh (Smart Card), chỉ mới có 65 thẻ được bán ra. Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (QLVĐH VTHKCC), con số này quá thấp, vì vậy đơn vị này đang nghiên cứu cải tiến để thẻ thông minh được sử dụng nhiều hơn nhằm nâng cao chất lượng quản lý xe buýt.
Hai tháng triển khai thẻ xe buýt thông minh vẫn chưa được đón nhận. |
Còn nhiều bất tiện
Anh Nguyễn Văn Cường, tài xế của Công ty Xe khách Sài Gòn (Saigon Bus) chạy tuyến số 27, lộ trình Bến Thành - Âu Cơ - bến xe An Sương cho biết, kể từ ngày 1-3, thời điểm chính thức áp dụng thí điểm vé xe buýt bằng thẻ thông minh cho tuyến 27 đến nay vẫn chưa có hành khách nào sử dụng loại thẻ này khi đi trên xe của anh.
Trước đó, từ ngày 1-2-2010, thẻ thông minh đã được triển khai trên tuyến xe buýt số 1, lộ trình Bến Thành - Chợ Bình Tây. Đây là 2 tuyến có lộ trình dài và hành khách đông. Tuy nhiên, sau 2 tháng triển khai, chỉ có 65 thẻ được bán ra, hầu hết người dân vẫn sử dụng vé lẻ, vé tập và vé tháng.
Ông Lê Hải Phong, Phó GĐ Trung tâm QLVĐH VTHKCC cũng thừa nhận, so với lượng hành khách trên hai tuyến số 1 và 27 thì lượng thẻ thông minh bán ra còn quá thấp. Lý do hành khách chưa sử dụng là chưa biết nhiều đến loại thẻ này. Bên cạnh đó, mô hình còn mới nên người sử dụng còn e ngại, sợ xảy ra những trục trặc phiền phức. Và điều quan trọng nhất, đó là thẻ xe buýt thông minh mới chỉ được sử dụng trên hai tuyến, chưa mang tính liên thông toàn mạng lưới nên bất tiện hơn vé tập, vé tháng hiện đang sử dụng.
Tuy nhiên, theo nhiều hành khách đi xe buýt, họ không mặn mà với thẻ thông minh vì không có gì thuận lợi, thậm chí còn bất tiện hơn loại vé đã quen dùng là vé tập, vé tháng. Với loại thẻ hiện đại này họ phải mất 30.000 đồng để làm thẻ chỉ để đi hai tuyến xe buýt, những tuyến khác không dùng được. Mặt khác, họ từ chối thẻ thông minh là vì chính chủ sở hữu mới có thể đi xe buýt. Thẻ có dán hình và nếu người đi xe khác với người trên hình thì sẽ bị từ chối. Điều này làm hạn chế rất nhiều người mua thẻ và ngành xe buýt tự "đóng cửa" với khách hàng của mình.
Tiếp tục hoàn chỉnh để áp dụng trên toàn tuyến
Thẻ xe buýt thông minh được làm bằng nhựa, có gắn chíp để quản lý thông tin về hành khách, lượt đi… Hành khách nộp tiền vào thẻ và số tiền sẽ được trừ dần sau mỗi lượt đi thông qua đầu đọc. Hiện có hai loại thẻ sử dụng cho tháng và năm. Thẻ có giá trị sử dụng một năm có thể nộp tối thiểu 69.000 đồng, sử dụng được 30 lượt đi. Thẻ tháng thì chia ra làm hai loại: với hành khách bình thường thì số tiền tối thiểu cho một lần nộp là 90.000 đồng cho 60 lượt đi; học sinh, sinh viên thì số tiền tối thiểu một lần nạp là 63.000 đồng cho 60 lượt đi. Đây cũng là giá tiền tương đương với vé tập, vé tháng.
Theo ông Phong, loại thẻ thông minh này có rất nhiều ưu điểm như gọn, bảo quản tốt hơn. Thẻ cũng giúp công tác chuyên môn trong việc quản lý, lưu trữ thông tin, thống kê người sử dụng xe buýt, truy xuất thông tin hành khách khi cần thiết... Đặc biệt, loại thẻ này là một bước chuẩn bị trước để dùng chung cho phương tiện tàu điện ngầm sau này.
Với những bất cập trong sử dụng thẻ thông minh, ông Phong cho biết, vào cuối tháng 4, Trung tâm QLVĐH VTHKCC sẽ đánh giá toàn bộ quá trình thử nghiệm và sẽ điều chỉnh để thẻ thông minh được người dùng chấp nhận. Với sự bất tiện khi chỉ mới có 2 tuyến sử dụng thẻ là do đang trong thời gian thử nghiệm, khi đã liên thông toàn tuyến thì bất tiện này sẽ không còn. Sắp tới, Trung tâm QLVĐH VTHKCC sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu hơn về loại thẻ này. Đơn vị này cũng sẽ cung cấp nhiều đầu mối hơn để người dân dễ dàng mua vé, vì hiện chỉ mới có hai địa điểm bán vé là Trạm điều hành Sài Gòn (Công viên Quách Thị Trang, quận 1) và ga hành khách Chợ Lớn (quận 5). Riêng về vấn đề in hình hành khách trên thẻ, ông Phong cho biết điều đó là cần thiết, vì đối tượng học sinh - sinh viên được ưu đãi rất nhiều so với hành khách thông thường nên cần có hình để ưu đãi đúng đối tượng. Riêng hành khách thông thường thì việc có dán hình hay không sẽ cân nhắc.
Thẻ xe buýt thông minh là hình thức quản lý hiện đại, tạo được hình ảnh văn minh và quản lý tốt hơn cho xe buýt. Tuy nhiên, ngành vận tải cần phải tiếp tục hoàn chỉnh phương tiện thanh toán hiện đại này theo hướng thuận lợi nhất cho người sử dụng mới tạo được đồng tình của hành khách đi xe buýt, nâng cao chất lượng của vận tải công cộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.