(HNM) - Ngay sau SEA Games 30, nhiều đội tuyển, vận động viên không có thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng chiến thắng, bắt tay ngay vào tập luyện, tiếp tục thực hiện mục tiêu giành 20 suất tham dự Olympic 2020. Đây là nhiệm vụ khó với thể thao Việt Nam nhưng tất cả vẫn đang quyết tâm, nỗ lực hết mình...
Đối với thể thao Việt Nam, khi trình độ của vận động viên chưa tiếp cận được mục tiêu giành huy chương Olympic thì việc giành suất tham dự cũng là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Do đó, mục tiêu giành càng nhiều suất tham dự Olympic càng tốt luôn được ngành Thể thao coi trọng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong cả năm 2020, nhằm tiếp đà thành công từ SEA Games 30.
Theo Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục Thể thao) Hoàng Quốc Vinh, đến nay thể thao Việt Nam mới giành 4 suất trực tiếp tham dự Olympic 2020 của các vận động viên: Nguyễn Huy Hoàng môn bơi, Lê Thanh Tùng môn thể dục dụng cụ, Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Thị Ánh Nguyệt môn bắn cung đã cho thấy những khó khăn của thể thao Việt Nam trên đường hoàn thành mục tiêu giành 20 suất tham dự Olympic. Trong thời gian 6 tháng còn lại trước khi Olympic 2020 diễn ra, việc giành thêm 16 suất chính thức có mặt tại Olympic là một thách thức lớn với các đội tuyển thể thao Việt Nam.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng chia sẻ, hiện đang có những khó khăn nhất định. Điều kiện cơ sở vật chất tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia đã tốt hơn trước nhưng vẫn thua kém rất nhiều so với các trung tâm của nhiều nước khác. Đơn giản nhất là điều kiện phòng tập thiếu thốn nên trong những ngày nắng nóng, vận động viên không thể tập luyện đủ khối lượng như huấn luyện viên mong muốn. Rồi kinh phí thi đấu quốc tế cũng có hạn chế nhất định. "Tổng cục Thể dục Thể thao và đơn vị chủ quản dù tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh phí đầu tư cho vận động viên nhưng cũng chỉ có thể giúp vận động viên tham dự một số giải nhất định để tích điểm, nhằm đủ điều kiện dự Olympic. Còn việc tạo điều kiện để vận động viên góp mặt ở mọi giải đấu tích điểm dự Olympic vẫn khó khả thi với thể thao Việt Nam lúc này”, ông Vương Bích Thắng nói.
Việc giành các suất tham dự Olympic 2020 còn gặp khó khăn do thể thao Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển giao về lực lượng ở nhiều môn. Ngay thể thao Hà Nội dù có lực lượng khá dày dặn nhưng vì lý do này nên cũng chỉ đặt mục tiêu đóng góp từ 3 đến 5 suất tham dự Olympic 2020. Theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng, thể thao Hà Nội sẽ phải huy động tối đa mọi nguồn lực mới có thể thực hiện trọn vẹn mục tiêu này.
Nhận định về mục tiêu đặt ra, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng cho rằng, từ nay đến tháng 6-2020 là quãng thời gian quyết định số vé tham dự Olympic 2020 của thể thao Việt Nam. Trong thời gian này, các cuộc đấu cấp châu lục tranh vé trực tiếp và các giải đấu cuối cùng chốt lại số điểm tích lũy nhằm xét điều kiện dự Olympic 2020 sẽ diễn ra. Vì vậy, Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ dồn tối đa kinh phí cho các vận động viên trọng điểm, có khả năng giành vé tham dự Olympic 2020 để thi đấu, tập huấn quốc tế.
Trong chia sẻ mới đây với những người làm thể thao thành tích cao Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Thể thao Việt Nam cần đặt mục tiêu giành huy chương tại Olympic 2020 thay vì hài lòng với việc góp mặt tham dự. Chỉ nỗ lực thực sự thì may mắn mới đến”. Giành huy chương tại Olympic vẫn là việc khó của thể thao Việt Nam, nhưng chỉ có tấm huy chương mới thực sự làm tôn vinh chất lượng của những tấm vé tham dự Olympic 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.