(HNM) - Tại Thế vận hội mùa hè ở Tokyo, Nhật Bản (Olympic Tokyo 2020), Đoàn thể thao Việt Nam có 18 vận động viên tham gia thi đấu 11 môn và chỉ phấn đấu có huy chương. Dù chưa đạt được thành tích như mong muốn, nhưng sau hành trình này, thể thao Việt Nam đã có những bài học quý giá để rút kinh nghiệm, hướng tới những mục tiêu tiếp theo.
Đã thi đấu hết mình
Hành trình tại Olympic Tokyo 2020 của Đoàn thể thao Việt Nam đã kết thúc, dù chưa đạt kết quả tốt, song đã cho thấy sự nỗ lực của các vận động viên.
Tại Olympic Tokyo 2020, vận động viên bắn cung 20 tuổi Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã làm nức lòng người hâm mộ, với màn trình diễn ấn tượng trước tay cung Ren Hayakawa (Nhật Bản). Hay trường hợp của tay vợt Nguyễn Thùy Linh ở môn cầu lông đã thi đấu rất thuyết phục trước tay vợt số 1 thế giới Tai Tzu Ying của Đài Loan (Trung Quốc). Rồi võ sĩ Nguyễn Văn Đương đối đầu đầy tự tin trước tay đấm số 1 châu Á Erdenebatyn Tsendbaatar (Mông Cổ) của môn boxing; nữ võ sĩ taekwondo Trương Thị Kim Tuyền có những thời điểm thi đấu thăng hoa trước đương kim Vô địch thế giới Panipak Wongpattanakit (Thái Lan)...
Theo kình ngư số 1 Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng, anh đã có rất nhiều bài học từ lần thi đấu này, không chỉ bổ ích cho bản thân, mà có thể chia sẻ lại với thế hệ đàn em. “Olympic là đấu trường lớn và khác hoàn toàn với SEA Games hay Asian Games. Tôi đã học hỏi được nhiều điều từ các vận động viên, từ những đội bơi hàng đầu thế giới như Mỹ, Australia về tinh thần, ý chí vượt khó. Sức mạnh của họ chính là sự đoàn kết, đồng lòng từ mỗi cá nhân để hướng tới mục tiêu cao nhất”, vận động viên Nguyễn Huy Hoàng bày tỏ.
Còn tay vợt Nguyễn Thùy Linh kể rằng đã có thêm được kinh nghiệm trong lần đầu tiên tham dự đấu trường Olympic. “Tại Olympic Tokyo 2020, tôi được thi đấu cùng những tay vợt hàng đầu thế giới và nhận thấy trình độ của mình không cách biệt họ quá xa. Điều này sẽ là động lực để tôi nỗ lực tập luyện hơn nữa, cố gắng có kết quả tốt trong những lần thi đấu sau”, Nguyễn Thùy Linh chia sẻ.
Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đức Phấn cho biết, Thế vận hội là đấu trường khắc nghiệt, dù chưa đạt thành tích như mong muốn, song các vận động viên Việt Nam đã thi đấu hết mình. Đó là những màn cọ xát quý giá, giúp các vận động viên Việt Nam rút ra kinh nghiệm quý báu cho mình.
"Bài toán" huy chương ở các sân chơi lớn
Tại Olympic Tokyo 2020, Đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 18 vận động viên, tranh tài ở 11 bộ môn. Dù không đặt chỉ tiêu huy chương, nhưng thể thao Việt Nam vẫn hy vọng có huy chương ở các bộ môn: Cử tạ, bắn súng. Song, các vận động viên: Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) đều không tạo được bất ngờ.
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, dù Đoàn thể thao Việt Nam không đạt được huy chương nào, nhưng cũng không đến mức phải nản lòng trước sự thể hiện của các vận động viên. “Dù đã nỗ lực hết mình, song thành tích của các vận động viên, như: Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn... kém hơn của chính bản thân cũng là điều dễ hiểu. Ở đấu trường số một hành tinh, việc không đạt được kỳ vọng là bình thường. Để có tấm huy chương Olympic cần có những dự án dài hạn và sự đầu tư phù hợp, cộng với cả may mắn...”, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh bày tỏ.
Còn theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, những kết quả thi đấu chưa thành công, phần nào do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong suốt gần 2 năm qua, các vận động viên không được đi tập huấn, không được tham gia thi đấu quốc tế, đã ảnh hưởng tới thể lực và thành tích rất nhiều. Tuy nhiên, nhìn từ kết quả thi đấu của Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020, đặt ra "bài toán" cho ngành Thể thao: Phải làm thế nào để có thể tranh chấp được Huy chương vàng tại các kỳ ASIAD hay huy chương ở các kỳ Olympic? “Qua đây, đòi hỏi ngành Thể thao Việt Nam phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, kể cả điều chỉnh các mục tiêu cho từng kỳ đại hội. Đặc biệt, đối với việc đầu tư, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện từng môn thể thao”, bình luận viên Ngô Quang Tùng nói.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, kết quả tại Olympic Tokyo 2020 đã phản ánh đúng trình độ của thể thao Việt Nam hiện nay. “Tổng cục Thể dục - Thể thao sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và sẽ có báo cáo, đề xuất với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để giải quyết "bài toán" đầu tư, sao cho có thể có nhiều lựa chọn để cạnh tranh được huy chương tại các đấu trường lớn, như ASIAD hay Olympic sắp tới”, ông Trần Đức Phấn khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.