Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thể hiện cảm xúc không lặp lại

Thụy Du| 06/12/2010 07:08

(HNM) - Là một trong 3 nghệ sĩ đoạt HCV Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc giai đoạn 2006-2010 (đang diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam), họa sĩ Nguyễn Trường Linh với bức sơn mài "Hà Nội có cầu Long Biên" đã "đánh thức" tâm trí người xem từ miền cổ tích trở về hiện tại.

Xúc động và hân hoan, họa sĩ Trường Linh chia sẻ những góc nhìn sáng tạo về đề tài tưởng như muôn thuở - Hà Nội của chúng ta.

- Đoạt giải thưởng cao trong triển lãm quy mô nhất của giới mỹ thuật nước nhà, anh đánh giá thế nào về tác phẩm của mình so với hơn 800 sáng tác trưng bày tại đây?

- Đánh giá về mình thì thật khó. Dưới góc độ của một người làm, giảng dạy mỹ thuật, tôi thấy triển lãm này có bề mặt giá trị nghệ thuật cao và khá đồng đều. Những tác phẩm được giải cao thấp không chênh lệch nhiều. Có chăng là do dám dấn sâu vào những đề tài cũ để tìm cái mới, cùng một chút may mắn, tranh của tôi đã đoạt giải.

Họa sĩ Nguyễn Trường Linh với tác phẩm “Hà Nội có cầu Long Biên”.

- Được Hội đồng Nghệ thuật nhìn nhận và đánh giá cao về sự phá cách trong màu sắc của sơn mài để tạo nên sức sống mới cho cây cầu. Anh đưa nét mới ấy vào "Hà Nội có cầu Long Biên" như thế nào?

- Tôi mang đến người xem một câu chuyện cổ tích, rằng Hà Nội có đó một cây cầu huyền thoại, đậm dấu ấn của lịch sử, của sự suy tồn. Nhưng kỳ thực là trong đó ẩn chứa một niềm xót xa. Chính vì thế, tôi đã phá vỡ cấu trúc thật của cây cầu, tạo ra góc cạnh lập thể. Màu cơ bản của sơn mài là đỏ, vàng nhưng tôi đổi sang màu xanh với một luồng sáng mạnh trẻ trung ở giữa. Nhìn vào đó, người xem sẽ thấy được góc sâu của cây cầu mà quan tâm, gìn giữ lấy di sản này. Nó không thể mãi là cổ tích.

- Đó là thông điệp cảnh báo từ bức tranh ghép 3 tấm rất khác biệt này?

- Đúng vậy. Hơn 3 tháng để hoàn thiện bức sơn mài, tôi đã trải bao cảm xúc dồn nén của mình. Đối với một người sinh ra và lớn lên, lang thang trèo me, trèo sấu quanh cây cầu suốt thời thơ ấy, nhìn thấy cầu Long Biên dần cũ kỹ, hỏng hóc, tôi xót lắm. Tôi muốn dùng ngôn ngữ trừu tượng và hiện đại để thể hiện ý tưởng cảnh báo mạnh mẽ hơn. Nhưng khi sáng tác, sơn mài tạo sự bất ngờ, giúp tôi thay đổi cách thể hiện. Bức tranh được ghép từ 3 tấm vẫn thơ mộng, lãng mạn nhưng nếu là người sâu sắc sẽ có sự so sánh với cây cầu hiện thực và trong tranh.

- Nghe nói anh có rất nhiều sáng tác về Hà Nội, đặc biệt đến 15 bức về cầu Long Biên. Anh chỉ vẽ về Hà Nội thôi sao?

- Người Hà Nội gốc bao giờ cũng có những ám ảnh về tuổi thơ, về những ký ức mình trải qua. Thể hiện trong tranh là điều tôi muốn giải tỏa. Mỗi bức tranh là cảm xúc và cách thể hiện không hề lặp lại. Song tôi còn sáng tác nhiều đề tài chứ. Như theo truyền thuyết, sử thi của Việt Nam hay về môi trường… những điều còn đau đáu trong tôi.

- Năm nào cũng thấy anh nhận giải thưởng mỹ thuật ở mảng khó và kỳ công là sơn mài. Sao chưa thấy anh có một triển lãm cá nhân?

- Tôi chưa có ý định làm triển lãm riêng. Có thì chắc phải nhiều năm nữa. Một triển lãm cá nhân phải là sự tích lũy đầy đủ từ ý tưởng, giá trị cho đến tâm huyết trong mỗi tác phẩm. Còn bây giờ, tôi vẫn chú tâm vào việc giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, vẽ những điều mình muốn, xếp lại một góc, thi thoảng bán…

- Thật thú vị, cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thể hiện cảm xúc không lặp lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.