Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thế hệ Qatar vô địch Asian Cup 2019 được tạo ra như thế nào?

Theo Zing| 02/02/2019 09:07

Hơn một thập kỷ tìm tòi cách làm bóng đá với tham vọng hóa rồng, đội tuyển Qatar đã thành công với chiến tích quá ngọt ngào là chức vô địch Asian Cup 2019.


Trước ông lớn Nhật Bản trong trận chung kết Asian Cup, Qatar đã chứng tỏ không phải ngẫu nhiên mà họ thắng tất cả các trận kể từ đầu giải, ghi trung bình gần 3 bàn/trận và không để thủng lưới bàn nào.

Tỷ số 3-1 chung cuộc đưa Qatar trở thành nhà vô địch tuyệt đối của một Asian Cup 2019, điều gần như không tưởng trong kỷ nguyên giải đấu này được mở rộng từ 16 lên thành 24 đội, đồng nghĩa với việc một đội tuyển sẽ phải thi đấu nhiều trận hơn trên hành trình chinh phục chức vô địch.


Qatar vô địch Asian Cup 2019 sau chiến thắng thuyết phục 3-1 trước Nhật Bản. Ảnh: AFC.


Xây giấc mơ bóng đá từ học viện Aspire

“Vua phá lưới” Asian Cup 2019, Almoez Ali là biểu tượng cho thành công của bóng đá Qatar. Ở tuổi 23, cầu thủ sinh năm 1996 đã có 9 bàn tại một VCK Asian Cup, xô đổ mọi kỷ lục về bàn thắng từng được tạo ra tại sân chơi cao nhất cho cấp độ ĐTQG ở châu Á.

Sinh ra tại Sudan, cách mà Almoez Ali vươn lên thành một ngôi sao lớn cũng phản ánh chính xác cách thức mà Qatar nuôi dưỡng giấc mơ hóa rồng.

Năm 2014, tờ New York Times từng tiến hành một siêu phóng sự về giấc mơ bóng đá của Qatar. Quốc gia này “chẳng có gì ngoài tiền” theo đúng nghĩa đen. Dân số bản địa chỉ ở mức trên dưới 400 nghìn. Với con số này, việc tạo ra một đội tuyển thể thao mạnh (chứ chưa nói tới bóng đá) đã là điều khó không tưởng. Chưa kể tới việc Qatar không hề có truyền thống thể thao trong quá khứ.

Almoez Ali là biểu tượng cho thành công trong công tác đào tạo trẻ của Qatar. Ảnh: AFC.


Năm 2004, học viện đào tạo trẻ Aspire được thành lập bởi Hoàng gia Qatar. Người chịu trách nhiệm cho nước đi này là Andreas Beicher, khi đó đang phụ trách một trung tâm tập luyện thể thao của Đức và được Qatar chiêu mộ để lên kế hoạch thay đổi nền bóng đá. Ông Beicher mang về Josep Colomer, người từng phát hiện ra Lionel Messi khi El Pulga mới chỉ là một cậu bé gầy còm tại Argentina.

Chính sách của Colomer khi đấy rất rõ ràng: Qatar phải hướng về châu Phi, nơi mà những cầu thủ “thậm chí không có cơ hội được nhìn thấy chứ chưa nói tới việc chứng tỏ bản thân”. Năm đầu tiên, Qatar sàng lọc hơn 430 nghìn em nhỏ trên 595 địa điểm tại 7 nước châu Phi. Hơn 7 năm sau, Aspire thu hút được 3,5 triệu em nhỏ từ ba châu lục khác nhau, từ đó chọn ra những em giàu tiềm năng nhất cho một cuộc phiêu lưu rộng khắp hành tinh.

Vào tháng 4-2007, học viện Aspire mở rộng quy mô tới tầm quốc tế, tạo ra một chương trình mang tên Aspire Africa. Kế hoạch là đưa những trinh sát viên tới Morocco, Cameroon, Ghana, Kenya, Nigeria, Senegal và Nam Phi. 7 năm sau, Aspire đổi tên để mở rộng lên thành 17 quốc gia (trong đó có cả Việt Nam).

Những em nhỏ sau khi được sàng lọc kỹ càng trên toàn thế giới sẽ được đem tới trụ sở chính của học viện ở thủ đô Doha (Qatar) để học tập cả về thể chất lẫn văn hóa.

Tờ The Times đã nghiên cứu một bản thỏa thuận từ nguồn nội bộ Aspire và phát hiện rằng, suất học bổng Football Dreams (Giấc mơ sân cỏ) của Aspire bao luôn ăn ở, học hành, tập luyện, thêm vài trăm USD mỗi tháng để tiêu vặt, thêm luôn cả vé máy bay cho những cầu thủ bay về thăm gia đình và ngược lại. Gia đình của mỗi cầu thủ còn được nhận 5 nghìn USD mỗi năm, số tiền đó cao hơn gấp nhiều lần thu nhập hằng năm của họ.

Học viện Aspire cũng làm việc với những người giỏi nhất. Lionel Messi, Diego Maradona, Manuel Neuer..., tất cả đều từng có mặt tại Qatar để ít nhất là truyền cảm hứng cho những em nhỏ tại đây. Năm 2015, học viện Aspire đưa Xavi tới Qatar để làm cố vấn kiêm cầu thủ cho CLB Al-Sadd.

Chính tiền vệ Tây Ban Nha cũng là người dự đoán từ trước giải rằng Qatar sẽ là đội vô địch Asian Cup 2019 sau khi đánh bại Nhật Bản trong trận chung kết.

Xavi Hernandez đang sắm vai "nhà truyền giáo" bóng đá tại Qatar. Ảnh: Getty Images.


Hóa rồng tại Asian Cup 2019

Được điều hành và duy trì từ nguồn tiền của chính phủ Qatar, học viện Aspire không thiếu điều kiện để tạo đầu ra cho những cầu thủ. Có tới 3 CLB tại châu Âu đang là sân sau của Aspire. Đó là Cultural Leonesa, Atlético Astorga FC ở Tây Ban Nha, K.A.S Eupen ở Bỉ. Ngoài ra còn là nhiều CLB khác tại châu Âu theo diện hợp tác trao đổi cầu thủ như Sevilla, Leeds United.

Almoez Ali từng có 2 năm thi đấu tại Áo và Tây Ban Nha trước khi quay trở lại Qatar và tỏa sáng như hiện tại. Akram Afif, “Vua kiến tạo” tại Asian Cup 2019 đang thuộc biên chế của Villarreal và đang chơi cho CLB Al Sadd theo dạng cho mượn cùng thành tích ghi 14 bàn sau chỉ 17 trận.

Akram Afif là sản phẩm ưu tú khác của học viên Aspire. Ảnh: AFC.


Mối quan hệ rộng và bền chặt của Học viện Aspire với những CLB có tiếng tăm tại châu Âu giúp họ luôn kiểm soát được tình hình nơi các cầu thủ. Chỉ cần cầu thủ có dấu hiệu bị chững lại (không được ra sân thường xuyên, chơi sai vị trí, chấn thương…) là ngay lập tức sẽ được đưa trở lại Qatar trao cơ hội.

Cách làm bóng đá bài bản này sau cùng đã cho ra quả ngọt. Sau khi thất bại bất ngờ trước U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á cách đây 1 năm, tại Asian Cup 2019, Qatar đã không mắc phải sai lầm nào nữa trong hành trình tìm kiếm chức vô địch. Thậm chí đội tuyển Tây Á này còn cho thấy được sức mạnh đáng nể khi lần lượt hạ gục những ông lớn máu mặt nhất như Saudi Arabia, Hàn Quốc và cả Nhật Bản.

Thế hệ của những Almoez Ali, Akram Afif sẽ đạt tới độ chín vào World Cup 2022, giải đấu mà Qatar đứng ra đăng cai bất chấp những lùm xùm về chuyện quốc gia này hối lộ để lấy phiếu bầu.

Học viện Aspire từng bị nghi ngờ là… tổ chức buôn người sau khoảng 3 năm hoạt động vì cứ rong ruổi khắp châu Phi chọn lọc cầu thủ trước khi mang về tận Doha xa xôi, vậy mà sau cùng đã cung cấp được gần như toàn bộ cầu thủ cho đội tuyển Qatar trong chiến dịch chinh phục Asian Cup 2019.

Chức vô địch Asian Cup 2019 là minh chứng cho thấy Qatar đã sẵn sàng cho World Cup 2022. Ảnh: AFC


Nói vậy để thấy rằng, những nghi ngờ luôn song hành cùng sự phát triển, điều quan trọng là Qatar đã luôn biết cách tập trung vào điều quan trọng nhất là những cầu thủ thay vì bất kỳ điều gì khác. Song Asian Cup 2019 chưa phải là cái ngưỡng mà Qatar tự đặt ra cho bản thân mình.

Nhà tân vương châu Á sẽ góp mặt tại Copa America 2019 theo diện khách mời (cùng Nhật Bản) để tranh tài với những quốc gia hàng đầu như Uruguay của Luis Suarez, Brazil của Neymar hay Argentina của Leo Messi.

Giấc mơ bóng đá của Qatar vẫn chưa dừng lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thế hệ Qatar vô địch Asian Cup 2019 được tạo ra như thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.