(HNMCT) - Vừa qua, độc giả yêu truyện tranh Việt hào hứng đón nhận “Ly và Chũn: Tết là nhất, nhất là Tết!” đượm màu sắc xuân và không khí đón Tết của tác giả Mèo Mốc. Nhưng, Mèo Mốc là ai?
Đó là bút danh của chàng trai Đặng Quang Dũng, sinh năm 1992, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Cái tên Mèo Mốc đã xuất hiện qua những trang truyện tranh nhật ký đăng trên mạng xã hội cách đây gần chục năm. Ban đầu, chỉ đơn giản là những câu chuyện đáng nhớ trong ngày, trong tuần được ghi lại dưới dạng truyện tranh nhật ký, không ngờ lại được rất nhiều bạn trẻ tìm đọc, chia sẻ. Điều đó cổ vũ tác giả tiếp tục sáng tác. Cho đến nay, fanpage trên mạng xã hội của Mèo Mốc có hơn 300 nghìn người theo dõi. Từng có thời kỳ “độc giả teen” chờ đợi và “săn lùng” từng bức tranh nhật ký mới được đăng tải. Bởi thế, việc xuất bản “Nhật ký Mèo Mốc” đã tạo nên cơn sốt trong các bạn trẻ yêu truyện tranh.
Cơn sốt ấy còn tiếp tục kéo dài qua nhiều truyện tranh nhật ký khác, như “Chuyện đèn đỏ và cái lỗ đen vũ trụ”, “Hành trình tới Singapore”, “Hãy ngước nhìn bầu trời”, “Ơ sinh nhật rồi này”, “Và xuân sẽ lại về”... Có lẽ, giữa một rừng truyện tranh "nhập ngoại", những bộ truyện tranh “made in Việt Nam” hiếm hoi như "Hesman", "Thần đồng đất Việt", "Tý Quậy"... hay truyện tranh của Mèo Mốc đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt bởi chính “chất” dân tộc qua hệ thống tên nhân vật, khung cảnh, cách đối thoại cùng các chi tiết "rất Việt Nam" đã càng thêm cuốn hút độc giả nước nhà.
Sau thành công với loạt truyện tranh nhật ký, Mèo Mốc tiếp tục cho ra đời bộ truyện tranh “biến tấu” mang tên “Tây du hí”. Đó là phiên bản hiện đại và hài hước nhưng cũng ẩn chứa nhiều suy ngẫm. Nếu “Tây du hí” đưa độc giả đi “chu du” thì “Nào ta cùng ăn” dẫn độc giả khám phá ẩm thực. Lối dẫn truyện vui nhộn cùng những bức tranh ẩm thực sinh động khiến độc giả không chỉ mê mải với từng trang sách mà còn háo hức muốn được nếm thử những món ăn mang nhiều câu chuyện thú vị đến thế. Về tác phẩm mới nhất “Ly và Chũn: Tết là nhất, nhất là Tết!”, chính Mèo Mốc đã “bật mí”: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết một cuốn truyện tranh như thế này”.
“Ly và Chũn: Tết là nhất, nhất là Tết!” vừa mang không khí Tết cổ truyền, vừa đề cập những thông tin thời sự về dịch Covid-19, về xu hướng mua sắm Tết... Đặng Quang Dũng cho biết: “Ở tập truyện này, tôi cố gắng giữ mọi thứ thật gần gũi với đời sống. Bạn sẽ cảm nhận được chút không khí truyền thống hoài cổ của những ngày Tết, nhưng không thiếu vắng hoàn toàn những chi tiết hiện đại và thời sự. Cũng giống như hai tuyến nhân vật ông bà Thường tượng trưng cho lớp người cũ, còn Ly và Chũn là thế hệ mầm non tương lai vậy. Hai yếu tố này pha trộn với nhau ở mức vừa đủ, sao cho cả bạn đọc nhỏ tuổi lẫn người lớn đều tìm thấy thứ mình thích trong tập truyện này”.
Nếu phong tục ngày Tết với người lớn như là một chuyện "đương nhiên phải thế" thì qua lăng kính trẻ thơ, đó là những điều gây tò mò, đầy ngạc nhiên, dẫn đến dòng liên tưởng đầy hài hước. “Xông đất” à, có lẽ giống như xông thuốc để chữa bệnh thôi, là “bỏ cục đất nóng vào trong chăn để xông chứ gì”. “Hái lộc” ư, thế chẳng phải là bẻ cành từ trên cây xuống ư, nhưng cô giáo đã dạy “cây cũng là bạn của con người, hái hoa bẻ cành là xấu” cơ mà...
Khác với những cuốn truyện tranh trước đây, “Ly và Chũn: Tết là nhất, nhất là Tết!” còn mang đến cho độc giả nhí nhiều thông tin về Tết truyền thống, để các em có thể cùng Ly và Chũn tìm hiểu phong tục "ăn Tết Việt” như tục cúng ông Công ông Táo, tục tảo mộ, tục tắm lá mùi già, gói bánh chưng... Những bức tranh sinh động và những đoạn đối thoại ngắn gọn, hài hước đã khiến câu chuyện về Tết của “Ly và Chũn: Tết là nhất, nhất là Tết!” trở nên hấp dẫn đối với độc giả thiếu nhi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.