(HNMCT) - Đối với trẻ em, những loài động vật ở xung quanh luôn là thế giới diệu kỳ đầy cuốn hút. Viết truyện, vẽ tranh, làm phim về muôn loài là cách kéo trẻ em gần gũi hơn với thiên nhiên, qua đó nuôi dưỡng tình yêu với thế giới tự nhiên, dạy các em yêu thương loài vật và biết bảo vệ môi trường.
Văn học thế giới có nhiều tác phẩm viết về muôn loài làm rung động trái tim người đọc, trong đó có không ít tác phẩm mà người yêu văn chương không thể bỏ qua. Đó là “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Nanh trắng”, “Ngựa ô yêu dấu”, “Con Bim trắng tai đen”, “Gió qua rặng liễu”, “Đồi thỏ”, “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”, “Cô gà mái xổng chuồng”...
Với văn học Việt Nam, đó là “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Câu chuyện về chú Dế mèn bao năm qua đã làm say lòng biết bao người Việt Nam, sau đó Dế mèn đã đến với các bạn nhỏ thế giới. Cho đến nay, “Dế mèn phiêu lưu ký” vẫn là đỉnh cao trong số tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi nói chung. Song, nhà văn Tô Hoài không chỉ có truyện về “chàng” Dế mèn. Trong văn nghiệp Tô Hoài, truyện đồng thoại là mảng sáng tác đặc sắc, phong phú với “Võ sĩ Bọ Ngựa”, “O Chuột”, “Mèo già hóa cáo”, “Mụ Ngan”, “Đôi Ri đá”, “Ghi chép một ngày của gà nhép”, “Cành cạch chơi trăng”, “Núi Gấu”, “Cá đi ăn thề”, “Chèo Bẻo đánh Quạ”...
Ngoài Tô Hoài còn có không ít nhà văn Việt Nam có nhiều truyện đồng thoại, như nhà văn Võ Quảng với “Ngày Tết của Trâu xe”, “Vượn hú”, “Anh Cút lủi”, “Sự tích những cái vằn”, “Mắt Giếc đỏ hoe”; Vũ Tú Nam với “Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công”; Nguyễn Đình Thi với “Cái Tết của mèo con”; Nguyễn Kiên với “Chú Đất Nung”, “Ếch Xanh đi học”, “Có một chú chim sâu”...
Nhà văn Tô Hoài từng bày tỏ quan niệm: “Một tác phẩm hay cho tuổi thơ cũng là một tác phẩm mà bạn đọc lứa tuổi nào cũng thưởng thức được”. Điều cốt lõi là tác phẩm cho thiếu nhi thì trước tiên phải được thiếu nhi công nhận, “bởi đã gây được, khơi gợi được cái yêu thương, cái hờn giận, những kỷ niệm, những nhớ đời cho các bạn tuổi ấy. Các em và người lớn đều thu nhận được ở tác phẩm ấy những thông cảm cho mỗi lứa tuổi khác nhau, mà người lớn không cần phải giả làm trẻ em mới hiểu được”.
Xếp theo “tiêu chí” của nhà văn Tô Hoài, sẽ thấy bộ sách 12 cuốn của nhà văn Vũ Hùng thực xứng đáng với giải Vàng hạng mục Sách hay của Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016. Song, dường như do không đầu tư mạnh ở khâu truyền thông, bộ sách vẫn còn hơi “chìm” so với rất nhiều cuốn sách viết về loài vật “du nhập” từ nước ngoài. Được viết hết sức giản dị, thế giới loài vật của nhà văn Vũ Hùng mở ra đầy cuốn hút mà ấm áp tình cảm, hết sức xúc động với “Người quản tượng và con voi chiến sĩ”, “Con Culi của tôi”, “Sao Sao”, “Giữ lấy bầu mật”, “Con voi xa đàn”, “Chú ngựa đồng cỏ”, “Những kẻ lưu lạc”, “Vườn chim”... Những câu chuyện không chỉ đưa thiên nhiên đến gần với người đọc, mà còn khiến người đọc có cảm giác như đang được sống giữa thiên nhiên, mong muốn nghiên cứu, thích nghi với thiên nhiên thay vì chinh phục.
Giống như nhà văn Vũ Hùng, "các nhà văn tóc bạc" tiếp tục viết những câu chuyện về loài vật. Ma Văn Kháng nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết, song ông cũng dành nhiều trang viết cho “độc giả nhí” với “Ông Pồn và chú hổ con”, “Hoa gạo đỏ”, "Con chó lạc nhà”, “Khu vườn tuổi thơ”, “Đồng cỏ nở hoa”... và đặc biệt là tiểu thuyết “Chó Bi đời lưu lạc” ly kỳ, sống động. Trần Đức Tiến mang đến cho trẻ em “Trên đôi cánh chuồn chuồn", “Làm mèo”, và gần nhất là “Xóm bờ giậu” được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Lý Lan với “Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen”, “Ba người và ba con vật”, và đặc biệt là “Ngôi nhà trong cỏ” từng đoạt giải A Cuộc thi sáng tác cho nhi đồng (1982 - 1984), mới đây đã được tái bản. Nguyễn Nhật Ánh cũng có nhiều tác phẩm về loài vật như “Tôi là Bê-tô”, “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”, “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ”...
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng viết: “Tâm hồn con người ta cũng cần vitamin, và sách - nhất là sách viết về động vật - là loại vitamin tuyệt vời nhất. Vì nếu con người ta biết yêu thương một chú chó thì hiển nhiên người ta sẽ biết yêu thương con người; xã hội nhờ vậy sẽ bớt đi những chuyện đau lòng”. Truyền tình yêu thương loài vật, tình yêu thương cuộc đời đến thiếu nhi, các cây bút thế hệ trẻ tiếp tục đề tài về thế giới muôn loài. Nguyễn Thị Kim Hòa có “Chuyện kể ở lớp Cây Me”; Lê Quang Trạng với “Thủ lĩnh băng vịt đồng”; Nguyễn Trần Thiên Lộc viết "Chuột đồng mê lúa", "Gà choai trồng bắp", "Vườn đậu của Giun"; Đào Thu Hà với “Cuộc phiêu lưu của Ỉn Hồng”; Lê Hữu Nam với “Mật ngữ rừng xanh”; Trương Huỳnh Như Trân với “Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh”... Không giáo điều, không khô khan, từng câu chuyện về loài vật trong văn học chính là bài học vỡ lòng dễ thấm nhất giúp thiếu nhi nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.