(HNMO) - Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trên thế giới có hơn 52 triệu lao động giúp việc gia đình. Trong khi đó, Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ về nhóm lao động đang gia tăng trong lực lượng lao động này.
Giai đoạn từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước cho tới năm 2010 chứng kiến sự tăng trưởng hơn 19 triệu giúp việc gia đình trên thế giới. Nhiều lao động di cư sang các quốc gia khác để tìm việc. Nhiều khả năng số liệu đưa ra trong báo cáo này chưa thể hiện được số lao động giúp việc thực tế trên toàn cầu. Con số thực có thể nhiều hơn hàng triệu người.
Báo cáo Lao động giúp việc gia đình trên thế giới: Thống kê toàn cầu và khu vực và khía cạnh bảo vệ pháp lý, được thực hiện sau khi Công ước và Khuyến nghị về giúp việc gia đình của ILO được thông qua vào tháng 6/2011.
Những tiêu chuẩn quốc tế mới này nhằm đảm bảo điều kiện làm việc và thù lao cho lao động giúp việc gia đình trên thế giới. Cho đến nay, đã có 3 quốc gia trên thế giới phê chuẩn công ước này và nhiều quốc gia khác đang trong quá trình chuẩn bị phê chuẩn.
Kết quả của nghiên cứu này sẽ giúp đo lường những tiến bộ của các quốc gia trong việc tăng cường hệ thống pháp luật bảo vệ lao động giúp việc gia đình.
Mặc dù Việt Nam không có số liệu chính thức về lao động giúp việc gia đình, thực tế cho thấy nhu cầu thuê người giúp việc tiếp tục tăng cùng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu.
Một nghiên cứu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và ILO thực hiện trong năm 2011 cho thấy 46% các hộ gia đình được khảo sát ở Hà Nội và TP HCM có người giúp việc và tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn trước năm 2000. Nữ giới chiếm tới 90,7% số giúp việc gia đình và phần lớn là lao động nhập cư từ nông thôn.
Bộ Luật Lao động sửa đổi được thông qua vào tháng 6/2012 lần đầu tiên công nhận giúp việc gia đình là một nghề và dành 5 điều khoản cụ thể điều chỉnh loại hình lao động này. Đây là một sự đột phá bởi việc luật hóa vấn đề lao động giúp việc gia đình, giúp cải thiện điều kiện và chế độ làm việc, bình đẳng giới và bảo vệ những lao động dễ bị tổn thương này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.