Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thế giới 2018: Một năm nhìn lại

Bình Minh| 21/12/2018 12:42

(HNMO) - Thế giới chuẩn bị khép lại năm 2018 với nhiều biến động. Cùng điểm lại những sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong năm qua...


Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung


Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục leo thang sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế bổ sung đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 7. Ngay sau mỗi quyết định tăng thuế của Washington, Bắc Kinh đều có các biện pháp đáp trả tương ứng. Tính tới cuối năm 2018, Mỹ đã áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc áp thuế đối với 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Các động thái “ăn miếng trả miếng” của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhiều lần khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, có nguy cơ kéo giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ, Trung Quốc và đẩy nền kinh tế toàn cầu lâm vào tình trạng bất ổn.

Dấu ấn ngoại giao Triều Tiên

Trong năm 2018, tình hình bán đảo Triều Tiên chứng kiến những bước đột phá sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và ba cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Các cuộc hội đàm đã góp phần thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, hướng tới nền hòa bình lâu dài trên bán đảo này.

Mặc dù trong năm qua, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chưa đạt được bước tiến đáng kể nào, nhưng Bình Nhưỡng đã để lại dấu ấn ngoại giao đậm nét.

Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên bắt tay tại hội nghị thượng đỉnh tháng 6-2018.


Diễn biến mới trong cuộc chiến tại Syria, Yemen

Năm 2018, cuộc chiến tại Syria bước sang năm thứ 7 và nội chiến tại Yemen bước sang năm thứ 3. Tại Syria, 7 năm chiến tranh đã cướp đi sinh mạng hơn 500.000 người, khiến gần 6 triệu người mất nhà cửa, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, tại Yemen, cuộc nội chiến dai dẳng đã khiến 6.800 người thiệt mạng, gần 11.000 người bị thương và 14 triệu người lâm vào tình trạng thiếu ăn trầm trọng, gây ra thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Một em bé bị thương trong các cuộc giao tranh ở Đông Ghouta, Syria


Tháng 12-2018 đánh dấu những diễn biến mới trên chiến trường Syria khi Mỹ tuyên bố rút toàn bộ binh lính nước này khỏi Syria do đã đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại quốc gia Trung Đông này. Còn tại Yemen, các bên tham chiến đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Hodeidah, thành phố cảng có vị trí chiến lược gần bờ biển Đỏ.

Chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan

Ngày 23-6, 12 cậu bé trong đội bóng nhí mang tên “Lợn rừng” cùng huấn luyện viên đã bị mắc kẹt sau chuyến tham quan tại hang Tham Luang, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Sau 9 ngày bị mắc kẹt trong hang sâu, đội bóng được phát hiện vẫn sống sót thần kỳ. Chiến dịch giải cứu quy mô lớn nhất thế giới đã diễn ra với sự tham gia của hơn 1.000 người, gồm đặc nhiệm Hải quân, các lực lượng cứu hộ Thái Lan và hàng trăm tình nguyện viên trên khắp thế giới.

Thợ lặn tham gia chiến dịch giải cứu
đội bóng Thái Lan.


Bất chấp địa hình hiểm trở, thời tiết bất lợi và nguy hiểm luôn rình rập, chiến dịch giải cứu đã thành công như một phép màu. Toàn bộ 13 thành viên đội bóng đã được đưa ra ngoài an toàn trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra trong tháng 11-2018 tại Mỹ đã mang lại chiến thắng cho đảng Dân chủ tại Hạ viện, trong khi đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện. Kết quả bầu cử được cho là thước đo đánh giá mức độ tín nhiệm của cử tri đối với các quyết sách và đường lối lãnh đạo đất nước của Tổng thống Donald Trump sau hai năm cầm quyền, đồng thời định hình hai năm cầm quyền còn lại.

Với việc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chia nhau kiểm soát lưỡng viện quốc hội, ông Trump dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong hai năm cuối trong nhiệm kỳ Tổng thống.

Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Indonesia

Palu hoang tàn, đổ nát sau thảm họa
động đất, sóng thần.


Trận động đất mạnh 7,5 độ richter kèm theo sóng thần kinh hoàng ngày 28-9 đã khiến thành phố Palu, Indonesia trở nên hoang tàn, đổ nát. Hơn 1.700 người đã thiệt mạng và 5.000 người đã mất tích trong thảm họa, 200.000 người sống sót phải đối mặt với tình trạng mất nhà cửa, thiếu nước sạch và lương thực trầm trọng.

Bê bối rò rỉ dữ liệu Facebook

Trong tháng 3, thông tin về việc dữ liệu cá nhân của khoảng 87 triệu người sử dụng Facebook bị rò rỉ bất hợp pháp cho hãng tư vấn chính trị Cambridge Analytica đã khiến ông lớn trong ngành công nghệ bị thiệt hại hàng tỷ USD. Hàng loạt người dùng đã kêu gọi tẩy chay, xóa Facebook.

Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã phải ra điều trần trước quốc hội Mỹ về vụ bê bối này. Tại phiên điều trần, đại diện Facebook nhận trách nhiệm và cam kết tiến hành hàng loạt điều chỉnh để khôi phục niềm tin của khách hàng.

Vụ bê bối rò rỉ dữ liệu của Facebook trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông trong tháng 3-2018.


Phong trào biểu tình “Áo vàng"

Xuất phát từ một nhóm nhỏ trên mạng xã hội, phong trào biểu tình “Áo vàng” đã nhanh chóng lan rộng và khiến nước Pháp đối mặt với tình trạng bạo loạn nghiêm trọng nhất 50 năm. Cứ vào thứ 7 hàng tuần, hàng chục nghìn người mặc áo vàng tuần hành trên các đường phố nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, yêu cầu tăng lương cho người lao động và đòi hỏi Tổng thống phải từ chức.

Thủ đô Paris mù mịt hơi cay trong ngày diễn ra biểu tình quy mô lớn.


Nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn khi người biểu tình xô xát với nhau, đốt phá xe ô tô và va chạm với lực lượng an ninh. Không chỉ diễn ra tại nước Pháp, biểu tình “áo vàng” còn lan rộng sang Bỉ, Anh, Canada... và có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2019.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thế giới 2018: Một năm nhìn lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.