(HNM) - Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm phía Nam cho biết, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đang làm rõ hành vi liên quan đến vụ thế chấp cà phê, sắn lát
Theo hồ sơ, vợ chồng Hồ Minh Hậu và Phạm Thị Ái Loan (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đã thành lập 4 doanh nghiệp Minh Chí, An Phúc, An Bình Phú và An Bình để thực hiện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền vay từ những ngân hàng nói trên tại các chi nhánh ở TP Hồ Chí Minh (Việt Nga), khu công nghiệp Bình Dương (Vietcombank), Phú Tài và Phú Yên (BIDV) và Hà Nội (Techcombank) bằng cách tạo ra các hợp đồng mua bán sắn (mì) lát và cà phê lòng vòng trong 4 doanh nghiệp này. Ở các khoản vay (có nguồn vốn vay được hưởng lãi suất ưu đãi theo gói kích cầu của chính phủ), vợ chồng Hậu đều cam kết sử dụng cho việc thu mua nông sản xuất khẩu và tài sản thế chấp là bất động sản cùng tài sản được hình thành từ vốn vay. Nhưng trên thực tế, vợ chồng trùm lừa đã dùng tiền vay đi mua bất động sản và hoạt động tín dụng đen (cho vay nóng, lãi suất cao). Khi đến kỳ hạn trả tiền vay, cặp vợ chồng này dùng tiền vay của ngân hàng này trả cho ngân hàng khác; chưa kể đến thủ đoạn thế chấp tài sản bằng cách kê khống số lượng hàng nông sản. Song, hành vi của vợ chồng Hậu-Loan đã không được nhóm cán bộ có trách nhiệm của 4 ngân hàng nói trên phát hiện và đã giải ngân cho đối tượng vay trên 1.000 tỷ đồng. Đến trước ngày khởi tố vụ án, 4 doanh nghiệp của vợ chồng Hậu còn nợ quá hạn tại các chi nhánh ngân hàng này với số tiền trên 400 tỷ đồng, mất khả năng chi trả. Ấy là chưa kể việc mức thiệt hại của các ngân hàng giữa các khoản vay và tài sản thế chấp được cơ quan điều tra xác định ban đầu lên đến 50 tỷ đồng.
Trước thời điểm có quyết định khởi tố vụ án, vợ chồng Hậu - Loan đã bỏ trốn và cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị với văn phòng Interpol ra lệnh truy nã quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.