Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 41/2011/TT-BYT hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh vừa được Bộ Y tế ban hành.
Theo quy định tại Thông tư, một người hành nghề khám, chữa bệnh chỉ được đăng ký chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám, chữa bệnh, không được đăng ký chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám, chữa bệnh khác.
Người đó có thể đăng ký làm việc ngoài giờ tại cơ sở khác trên cùng địa bàn tỉnh nhưng tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ trong một năm.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính liên tục, ổn định trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Thông tư cũng quy định, người hành nghề khám, chữa bệnh đã đăng ký hành nghề tại một cơ sở khám, chữa bệnh thì không được đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh khác với nơi mình đang hành nghề.
Cũng theo quy định tại Thông tư, người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh được đăng ký làm người đứng đầu, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám, chữa bệnh ngoài giờ.
Riêng người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.
Bệnh viện đa khoa phải có từ 30 giường bệnh trở lên
Thông tư quy định, bệnh viện đa khoa muốn được cấp giấy phép hoạt động cần phải có ít nhất 30 giường bệnh trở lên. Đối với bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền phải có ít nhất 20 giường bệnh; riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt sử dụng kỹ thuật cao phải có ít nhất 10 giường bệnh.
Về cơ sở vật chất, bệnh viện phải được xây dựng, thiết kế, xây dựng theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số 365: 2007.
Về tổ chức, phải có ít nhất 2 trong 4 khoa nội, ngoại, sản, nhi đối với bệnh viện đa khoa hoặc một khoa lâm sàng phù hợp đối với bệnh viện chuyên khoa.
Đồng thời, cần đảm bảo số lượng nhân viên hành nghề toàn thời gian (cơ hữu) trong từng khoa phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số nhân viên hành nghề trong khoa.
Phòng khám đa khoa cũng cần có tỷ lệ nhân viên hành nghề cơ hữu như trên.
Đồng thời, phòng khám đa khoa phải có 3 trong 4 chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi; phòng cấp cứu; buồng tiểu phẫu; phòng lưu người bệnh; cận lâm sàng: Có hai bộ phận xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.
Trong đó, phòng cấp cứu có diện tích ít nhất 12m2; phòng lưu người bệnh có diện tích ít nhất 15m2; các phòng khám chuyên khoa và buồng tiểu phẫu có diện tích ít nhất 10m2…
Thông tư có hiệu lực 1/1/2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.