Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay thế “Welcome to Vietnam”: Một vài gợi ý

TUANANH| 08/04/2004 08:49

Thông điệp du lịch Việt Nam được đưa ra là nhằm quảng bá du lịch Việt Nam cho du khách quốc tế, nên khi dịch ra tiếng Anh hay các tiếng khác cần có sức hấp dẫn cao. Theo giới chuyên môn, có thể có nhiều từ ngữ trong tiếng Anh hấp dẫn hơn nhiều so với “Welcome to Vietnam”.

Biểu tượng mới của Du lịch Việt Nam đã được giới thiệu tại liên hoan du lịch quốc tế Berlin hôm 3/4

Thông điệp du lịch Việt Nam được đưa ra là nhằm quảng bá du lịch Việt Nam cho du khách quốc tế, nên khi dịch ra tiếng Anh hay các tiếng khác cần có sức hấp dẫn cao. Theo giới chuyên môn, có thể có nhiều từ ngữ trong tiếng Anh hấp dẫn hơn nhiều so với “Welcome to Vietnam”.

Trong lần quảng bá du lịch mới đây nhất tại Việt Nam, Tổng cục Du lịch Singapore đã chính thức công bố thông điệp mới cho các chiến dịch quảng bá tiếp theo của mình đó là “Độc đáo Singapore” (Uniquely Singapore). Thông điệp này được đưa ra để thay thế cho thông điệp “Singapore đất nước châu Á mới”.

Thông điệp “Uniquely Singapore” đã được chọn sau cuộc nghiên cứu được thực hiện với 400 đối tác trong và ngoài nước, từ báo chí đến các đơn vị kinh doanh du lịch trên 7 thị trường. Ông Alfie Yee Howe Mun, Giám đốc Thương hiệu của Tổng cục Du lịch Singapore cho biết, thông điệp “Uniquely Singapore” không chỉ ngắn gọn, chính xác và tập trung, mà còn thực sự có sự hỗ trợ của thực tế.

Đó là nước bạn Singapore, còn Việt Nam, việc tìm thông điệp mới để thay thế cho “Việt Nam điểm đến của thiên niên kỷ mới” cũng đã được tính đến. Thông điệp này ra đời vào năm 1999 không chỉ được đánh giá là bắt đúng thời điểm, mà còn tạo cho du lịch Việt Nam một phong cách mới.

Vào thời điểm đó, nhân loại đang chuẩn bị đón chào thiên niên kỷ mới, nên thông điệp “Việt Nam điểm đến của thiên niên kỷ mới” không chỉ mang tầm quốc gia, mà gây được sự chú ý trên bình diện quốc tế. Bên cạnh đó, thông điệp này cũng mang lại sức sống mới cho ngành du lịch và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này sau thời kỳ khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực.

Tuy nhiên, không gì có thể “trường tồn mãi với thời gian”. Sứ mệnh lịch sử của thông điệp “Việt Nam điểm đến của thiên niên kỷ mới” đã hết kể từ khi năm 2000 khép lại. Ông Dennis Colonna, Giám đốc Hãng lữ hành Exotissimo nhận xét, thông điệp “Việt Nam điểm đến của thiên niên kỷ mới” hiện nay không còn hữu dụng, bởi thiên niên kỷ mới sẽ bắt đầu vào năm 3001.

Việt Nam nên có một thông điệp mới thú vị và đáng tin cậy để mời gọi du khách. Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi, nhưng mãi tới nay mới đưa ra thông điệp “Hãy đến với Việt Nam” (Welcome to Vietnam). Tuy nhiên, thông điệp này cũng mới chỉ được treo một cách khá rụt rè tại Tổng cục Du lịch, Lễ hội đón nhận bằng Di sản Thiên nhiên Thế giới của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và Lễ hội Điện Biên Phủ. Các tập gấp tờ rơi hay website của Tổng cục Du lịch vẫn đang “xài” thông điệp cũ.

Thông điệp “Hãy đến với Việt Nam” thực sự đạt tiêu chuẩn về sự ngắn gọn, nhưng lại không truyền tải được những gì gọi là “cá tính riêng” của du lịch Việt Nam. Xét về ngôn ngữ tiếng Anh, “Welcome” thể hiện sự chào đón một vị khách rất thông dụng không có gì đặc biệt. “Welcome to Vietnam” có thể là một câu chào du khách nước ngoài khi họ đã đặt chân đến Việt Nam. Tuy nhiên, thông điệp du lịch lại cần phải khơi dậy trí tò mò và sự ham thích muốn khám phá của du khách về một điểm đến mới. Xét về tiêu chí này thì “Welcome to Vietnam” là thông điệp quá đơn giản.

Hãy thử xem xét thông điệp du lịch của một số nước trong khu vực thì sẽ thấy rõ thông điệp mới của Việt Nam không có tính thuyết phục. Chẳng hạn, Malaysia đưa ra thông điệp “Malaysia: Truly Asia” (Malaysia: châu Á đích thực). Đối với các nước ASEAN thì thông điệp này có vẻ không có tính hấp dẫn cao, nhưng đối với du khách châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông và châu Úc thì lại rất có hiệu quả.

Ông Mohd Ilyas, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Malaysia cho biết, qua thông điệp này, Malaysia muốn nói với du khách rằng, muốn tìm hiểu về châu Á thì chỉ cần thăm một điểm đến duy nhất là Malaysia. Vì thế, thông điệp này đã nâng tầm du lịch Malaysia, không còn là điểm đến thông thường mà đại diện cho cả châu Á.

Theo ông Dennis Colonna, thông điệp “Hãy đến Việt Nam” dường như không đủ sức thuyết phục, cần phải có một thông điệp có tính năng động và mạnh mẽ hơn chẳng hạn như “Visit Vietnam” hay “Authentic Vietnam”.

Và rất nhiều các thông điệp hay khác được các chuyên gia gợi ý cho ngành du lịch như: “Exciting Vietnam” (tạm dịch “Nồng nhiệt Việt Nam”), “Friendly Việt Nam” (tạm dịch “Việt Nam thân thiện”).

Hay như gợi ý của ông Paul Stoll, Tổng giám đốc Khu nghỉ mát Furama Đà Nẵng, thông điệp “Fantastic Vietnam” (tạm dịch “Kỳ bí Việt Nam”) khá phù hợp cho Việt Nam.

Theo Đầu Tư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay thế “Welcome to Vietnam”: Một vài gợi ý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.