Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thay lời tri ân” - chương trình đầy cảm xúc về sự cống hiến của nhà giáo

Thống Nhất| 18/11/2022 22:14

(HNMO) - Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), tối 18-11, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Thay lời tri ân năm 2022”, với chủ đề “Cây đời trăm năm”. 400 nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho hơn 1,2 triệu nhà giáo trên cả nước đã tham dự chương trình.

“Thay lời tri ân” là chương trình được tổ chức thường niên vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhằm tôn vinh, tri ân các nhà giáo đã và đang thầm lặng vượt khó, cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà. Với chủ đề “Cây đời trăm năm”, thông qua những hình ảnh, câu chuyện dạy học, xúc động, đáng khâm phục về những thầy giáo, cô giáo hết lòng về học trò thân yêu. 

Nhiều nội dung trong “Thay lời tri ân” năm nay là những hình ảnh, tấm gương, câu chuyện truyền cảm hứng, xúc động, đáng khâm phục về những người thầy cô giáo hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, họ là những người tận tâm, tận tụy với nghề và lúc nào cũng nghĩ đến những học sinh yêu quý, những đứa con tinh thần của mình. Các phóng sự được phát tại chương trình là những câu chuyện giản dị, mộc mạc nhưng đầy gian truân về cuộc sống của nhà giáo cũng như hành trình gieo mầm tương lai ở những nơi còn nhiều thiếu thốn.  

Một học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Đình Giót (tỉnh Điện Biên) tham gia chương trình cùng cô giáo đỡ đầu Nguyễn Thị Hà. 

Gây ấn tượng đặc biệt trong chương trình là câu chuyện về hơn 20 học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được cô giáo Nguyễn Thị Hà, Trường Trung học phổ thông Phan Đình Giót (tỉnh Điện Biên) nhận nuôi hằng tháng. Cô Hà còn được nhân dân địa phương biết đến với tấm lòng nhân hậu khi thường xuyên vận động mọi người trong gia đình và cộng đồng quyên góp quần áo, sách vở, gạo… để hỗ trợ học sinh. Cuộc gặp gỡ bất ngờ và đầy cảm xúc ngay tại sân khấu giữa cô giáo Hà và 2 trong số các học sinh đã được cô chăm chút, nuôi nấng từ những ngày còn rất khó khăn. Đến nay, các em đã trưởng thành hơn và đều bày tỏ lòng biết ơn đối với cô Hà… 

Giao lưu cùng thầy giáo Chu Quang Đức, Trường Trung học phổ thông Mê Linh (Hà Nội). 

Câu chuyện cuộc đời của thầy giáo nhỏ bé (có chiều cao 1,1 mét) và nghị lực vượt khó đã truyền cảm hứng, tạo động lực cho đồng nghiệp và cả học sinh. Bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ nhỏ, suốt 10 năm qua “đứng” trên bục giảng bằng xe lăn, thầy giáo Chu Quang Đức, Trường Trung học phổ thông Mê Linh (thành phố Hà Nội) đã cảm hóa nhiều học sinh “có cá tính”, giúp các em thay đổi nhận thức, hành vi và trở thành công dân có ích. 

Trong chương trình, khán giả gặp lại những tình huống khá phổ biến qua hình ảnh một cô học trò “có cá tính”, lại luôn mặc cảm, tự ti ở Trường Trung học phổ thông Vĩnh Xuân (tỉnh Vĩnh Long). Bằng tình yêu thương, sự nhẫn nại và lắng nghe, cô giáo Bùi Lê Xuân Trang, Trường Trung học phổ thông Vĩnh Xuân đã cảm hoá được cô học trò nhỏ và làm thay đổi nhận thức của các bạn cùng lớp. Các em biết chia sẻ, yêu thương nhau nhiều hơn, cô học trò ngày nào giờ đã trở thành sinh viên của một trường cao đẳng. 

Bên cạnh các phóng sự phản ánh các câu chuyện thực tế của nhiều nhà giáo, giao lưu với một số nhà giáo tiêu biểu, chương trình còn mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc thông qua màn giao lưu giữa một số nhà giáo với các tiết mục nghệ thuật, gồm nhiều bài hát hay ca ngợi công sức đóng góp các thầy giáo, cô giáo… 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại chương trình "Thay lời tri ân".

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chương trình “Thay lời tri ân” được nhân dân và các nhà giáo đánh giá cao. Thông qua chương trình, khán giả biết tới nhiều hơn những cống hiến, hy sinh, những việc làm cao đẹp, những tấm lòng, sự sáng tạo và trí tuệ của các nhà giáo. Qua đó, xã hội đã cảm thông hơn, chia sẻ nhiều hơn, tôn trọng nhiều hơn và yêu quý nhà giáo nhiều hơn. 

“Những tấm gương các nhà giáo được chương trình nhắc tới chắc chắn mới chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn những tấm gương cống hiến của các thầy giáo, cô giáo khắp mọi miền đất nước. Thông qua sóng truyền hình, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi “nhận, biểu dương, cảm ơn những nỗ lực cố gắng cống hiến của tất cả các nhà giáo, những người đã được xã hội biết tới, được ca ngợi và cả những người luôn hy sinh thầm lặng mà chưa được nhiều người biết tới, thậm chí chưa ai biết tới”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thay lời tri ân” - chương trình đầy cảm xúc về sự cống hiến của nhà giáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.