(HNMCT) - Các cụ vẫn có câu “thầy già, con hát trẻ” khi nói về nghệ thuật biểu diễn. Nhưng tình cảnh “thầy già, con hát cũng già” lại đang là thực trạng chung của sân khấu Thủ đô, nhất là với sân khấu truyền thống. Khó khăn về nhân sự càng tạo thêm gánh nặng cho loại hình nghệ thuật đang trong cuộc khủng hoảng thiếu khán giả.
“Cưa sừng làm nghé”
Hiện tượng “già hóa” sân khấu, nhất là sân khấu kịch hát dân tộc đã được cảnh báo từ nhiều năm qua nhưng vấn đề ngày càng trở nên trầm trọng. Tại Hội thảo “Vai trò nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu” do Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức, vấn đề này lại được xới lên.
NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đánh giá: “Trong khi truyền hình, điện ảnh đang “nở rộ” những gương mặt trẻ thì sân khấu lại phải đối mặt với bài toán khủng hoảng diễn viên trẻ, nhất là diễn viên tài năng đủ sức gìn giữ “ngón nghề cha ông”.
Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số diễn viên trong độ tuổi từ 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, lứa 25 - 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%. Ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%. Bất cập dễ thấy là có khá nhiều diễn viên đã hết tuổi làm nghề nhưng chưa đến tuổi về hưu. Cho nên xét về chỉ tiêu, các đơn vị cơ bản vẫn đủ người, song nhân lực sung sức lại hiếm. Ngay với các cuộc thi tìm kiếm tài năng sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Nhà nước buộc phải đưa ra quy định về độ tuổi thí sinh tham dự là dưới 33 - lứa tuổi mà ở loại hình nghệ thuật nào cũng không còn được coi là trẻ”.
Nghệ sĩ Trần Quốc Chiêm cũng chia sẻ thêm: “Ngày trước tôi nhận vai chính đầu tiên năm 17 tuổi, độ tuổi “sung” nhất về thanh sắc, cảm xúc. Nhưng bây giờ, diễn viên tốt nghiệp ra trường đã 22 - 23 tuổi, nhận về nhà hát còn phải tập sự vài năm, đến khi được vào vai đào chính, kép chính thì đã bớt đi sức hấp dẫn”.
Hệ lụy của hiện tượng nói trên là diễn viên U40 phải “cưa sừng làm nghé”, tỏ ra ngây thơ, vụng dại khi đảm nhận vai diễn... tuổi 20, thậm chí cả vai thanh, thiếu niên. Điều này không thuyết phục được người xem, thậm chí gây phản cảm.
Khó gỡ
Nhìn vào lực lượng diễn viên ở các nhà hát trên địa bàn Thủ đô hiện nay, dễ thấy sự phân nhóm về độ tuổi: Nhóm các nghệ sĩ có thâm niên, tài năng thì đã phai nhạt về nhan sắc, xuống sức về giọng ca. Trong khi đó, đội ngũ diễn viên trẻ, thường chiếm số lượng ít, lại không đủ năng lực để thể hiện tròn vai mang tính hình tượng sân khấu.
Nguyên nhân của hiện tượng “già hóa” này, theo hầu hết các nghệ sĩ là bởi sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống cho thu nhập "bèo bọt", không còn đủ sức hấp dẫn tài năng trẻ. Tác giả, đạo diễn Hoàng Thanh Du bày tỏ: “Nghệ sĩ biểu diễn, kể cả những người đạt danh hiệu NSND, NSƯT cũng rất khó sống với nghề, phải làm "nghề tay trái” để mưu sinh. Nghệ sĩ giỏi còn như vậy, thử hỏi tài năng trẻ làm sao không thiếu vắng? Tôi đồng ý với một số nhà phê bình cho rằng, nghệ thuật sân khấu vừa thiếu sức thanh xuân, vừa chưa đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Điều đáng lo nhất hiện nay là các trường văn hóa nghệ thuật ngày càng khó chiêu sinh cho các ngành đào tạo nghệ thuật truyền thống, bởi khi ra trường khó kiếm việc làm”.
Giải pháp cho thực trạng này, theo các nghệ sĩ là không dễ dàng bởi sân khấu đang phải cạnh tranh về nhân lực với rất nhiều loại hình giải trí khác. “Nếu bạn nào có giọng đẹp một chút thì tham gia các giải như: “Sao Mai”, “Giọng hát Việt”..., bạn nào ngoại hình sáng sủa, cao ráo một chút thì sàn catwalk vẫy gọi..., dễ mau nổi tiếng, có thu nhập cao, trong khi sân khấu nhọc nhằn vất vả mà lương của các bậc anh chị đi trước vẫn rất thấp thì các em lại càng khó hơn” - đạo diễn Hoàng Thanh Du chia sẻ.
Chính vì vậy, NSND Thanh Trầm cho rằng: “Công tác trẻ hóa chịu tác động từ nhiều phía như chính sách đãi ngộ, lương có đủ sống và quan trọng là nghệ thuật có được công chúng đón nhận hay không. Khi sân khấu không thể giúp họ đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày, khi nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng thì có lẽ niềm đam mê, sự “sống chết với nghề” của nhiều nghệ sĩ cũng bị vơi đi ít nhiều”.
Rõ ràng, sân khấu hôm nay cần những giải pháp mang tính toàn diện để thay đổi được cục diện, phải hấp dẫn được khán giả, bán được vé thì mới có thể nâng cao được đời sống cho diễn viên, tạo sức hút cho các tài năng trẻ. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ vẫn có niềm tin rằng, vượt lên trên tất cả những khó khăn đó, tình yêu với nghệ thuật sân khấu chính là điều đang giữ các nghệ sĩ hôm nay ở lại và sẽ tiếp tục tạo nên sức hút với nghệ sĩ trẻ.
“Một điều lạ là dù khó khăn suốt bao năm nay nhưng nhiều nghệ sĩ sân khấu truyền thống vẫn nhất quyết không bỏ nghề. Bởi với họ, nghề đã trở thành cái nghiệp. Sau những lo toan về “cơm, áo, gạo, tiền” họ lại được lên sân khấu để thỏa lòng đam mê, đồng thời đem những thông điệp mà đạo diễn gửi gắm trong tác phẩm đến cho khán giả với niềm say mê cháy bỏng” - NSND Thanh Trầm tin tưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.