Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thấy gì từ việc nợ lương cầu thủ?

Minh Quang| 23/03/2016 07:46

(HNM) - Thông tin CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nợ lương nửa đầu tháng 1 và tháng 2 của cán bộ, nhân viên, cầu thủ trong đội bóng có thể khiến nhiều người giật mình. Nhưng, trong thực tế, đó là chuyện buồn mà một số CLB khác đã trải qua, đặc biệt là với những đội bóng phụ thuộc hoàn toàn vào một ông chủ.


Hoàng Anh Gia Lai không phải là CLB đầu tiên tại Việt Nam rơi vào cảnh nợ lương cầu thủ. Làng bóng đá Việt Nam từng chứng kiến nhiều CLB, từ diện "nhà nghèo" đến hàng "thiếu gia", lâm vào cảnh nợ lương, đến nỗi cầu thủ phải tìm đến báo chí để "kêu cứu". Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó chủ yếu là nhà tài trợ chính của đội bóng giải ngân chậm hoặc ông bầu gặp khó khăn trong công việc kinh doanh. Cũng có nơi là do ông bầu có tình yêu bóng đá... "nửa mùa", đột nhiên thích chậm dù không thiếu tiền.

Ở HAGL chắc chắn không có chuyện ông chủ đội bóng chây ỳ trong việc chi trả lương, thưởng. Tình yêu bóng đá của ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã được chứng minh trong hơn chục năm qua. Ông bầu của đội bóng phố Núi đã đóng góp quá nhiều cho môn thể thao vua nước nhà, rõ nhất là việc "mở trường" đào tạo bóng đá bài bản và không tiếc tiền đầu tư cho mô hình HAGL - Arsenal JMG.

Khi công việc làm ăn gặp thuận lợi, giá trị cổ phiếu của HAGL trên thị trường chứng khoán luôn trong nhóm đầu, tình yêu bóng đá của ông Đoàn Nguyên Đức được thể hiện rất rõ ràng. Tuy vậy, khi công việc kinh doanh của tập đoàn chủ quản không được như ý, đương nhiên là CLB Bóng đá HAGL cũng bị ảnh hưởng. Câu chuyện nợ lương đến như lẽ thường dù lương của cầu thủ đội bóng phố Núi không cao so với mặt bằng lương ở V.League.

Mặc dù cách đây 2 ngày, HAGL đã thanh toán khoản lương nửa tháng 1 và tháng 2 cho các thành viên CLB nhưng sự chậm trễ trong phần việc tế nhị này đã tạo ra ảnh hưởng không có lợi cho hình ảnh thể thao Việt Nam. Người ta nhớ đến chuyện khác, liên quan tới ông bầu Bùi Pháp của Đội Bóng chuyền Đức Long Gia Lai. Cũng có màn ra mắt hoành tráng với những cầu thủ tốt nhất Việt Nam, cũng đạt thành công trên sân đấu nhưng rồi khó khăn kinh tế đã buộc Đức Long Gia Lai phải chia tay làng bóng chuyền Việt Nam sau một thời gian đình đám.

Trong những lần khảo sát bóng đá Việt Nam gần đây, các chuyên gia nước ngoài đã khuyến cáo rằng, mỗi CLB bóng đá Việt Nam nên có nhiều ông chủ, hiểu cách khác là nên có nhiều người cùng gánh trách nhiệm đối với CLB thông qua hình thức cổ phần. Kinh nghiệm từ các nền bóng đá khác trên thế giới đã chỉ ra rằng, nếu đội bóng hoàn toàn phụ thuộc vào một ông chủ thì khi người này gặp khó khăn, đội bóng khó tránh bị liên lụy.

Nếu có nhiều người cùng gánh trách nhiệm thì khi một người trong số đó gặp khó, CLB vẫn có thể duy trì hoạt động bình thường. CLB HAGL, tiếng là đã có Công ty cổ phần Bóng đá HAGL là chủ quản trực tiếp, lại có nguồn thu kha khá từ việc bán vé nhưng nguồn kinh phí của đội bóng phố Núi vẫn phụ thuộc vào "sức khỏe" của Tập đoàn HAGL (dưới danh nghĩa tài trợ cho đội). Giải pháp "lấy bóng đá nuôi bóng đá" vẫn chưa cho ra kết quả đủ để duy trì đội bóng một cách ổn định.

Khi CLB chưa tự đứng được trên đôi chân mình, chưa có nguồn thu ổn định (từ bán vé, bản quyền truyền hình...) như ở nhiều nền bóng đá chuyên nghiệp khác thì sự tồn tại bền vững của CLB đó vẫn còn là dấu hỏi. Và, khi sự tồn tại của các CLB còn mong manh, "dễ vỡ", người ta có thể đặt ra câu hỏi tiếp theo về tính chuyên nghiệp thực sự của nền bóng đá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thấy gì từ việc nợ lương cầu thủ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.