Giao thông

Thay đổi tâm lý ngại đi xe buýt

Nguyễn Văn Công 17/11/2023 - 07:08

Xe buýt là loại hình vận tải hành khách văn minh, hiện đại. Trong thực tế, nhiều người ngại đi xe buýt vì những lý do không quá quan trọng, hoàn toàn có thể khắc phục và thay đổi được.

Những rào cản tâm lý ấy cần được tháo bỏ. Thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng nói chung và xe buýt nói riêng cần được khuyến khích và lan tỏa rộng rãi.

638354882846095007-at1.jpg
Đi xe buýt góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

"Gạt lý do” để đi xe buýt

Trong những năm gần đây, xe buýt tại Hà Nội đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thay đổi bộ mặt giao thông công cộng Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.

Theo số liệu từ Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hà Nội, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, mạng lưới tuyến buýt trên địa bàn Thành phố đã phục vụ khoảng 188 triệu lượt hành khách; tổng doanh thu toàn mạng buýt ước đạt 232,9 tỷ đồng, đạt 58,5% so với kế hoạch, tăng 75,5% so với cùng kỳ 2022. Đây là con số cho thấy vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đang có dấu hiệu phục hồi sau hơn hai năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, năng lực vận tải của xe buýt vẫn chưa được khai thác triệt để, một số tuyến buýt còn vắng khách. Một trong những nguyên nhân khiến xe buýt còn chưa đạt được lượng hành khách như kỳ vọng phải kể đến là tâm lý, thói quen đi lại của người dân chưa thay đổi, nhiều người chưa thấy được lợi ích từ việc đi xe buýt.

Đa số người dân Hà Nội vẫn có thói quen đi lại bằng phương tiện cá nhân. Hễ bước chân ra khỏi nhà là lên xe đi đến điểm cần đến, gần như không phải đi bộ. Lâu dần, thói quen này đã “ăn sâu, bám rễ” vào cách đi lại của đa phần người dân và bởi thế, khi phải đi bộ ra bến xe buýt nhiều người cảm thấy ngại.

Bên cạnh đó, đặc thù đường phố ở Hà Nội nhiều ngóc ngách, phố nhỏ ngoằn ngoèo, hầu hết xe buýt không thể đi vào tận nơi, để đến được bến xe phải đi bộ vài trăm mét nên người dân vẫn ưu tiên đi xe máy.

Tại các nước có hệ thống giao thông công cộng phát triển, ngoài việc đầu tư cho hệ thống xe buýt hiện đại, đúng giờ của cơ quan chức năng thì người dân cũng tự giác thay đổi thói quen để tiếp cận xe buýt. Họ sẵn sàng đi bộ đến trạm xe buýt, sắp xếp công việc một cách khoa học để không bao giờ bị lỡ chuyến. Đồng thời, đa số coi việc đi bộ tới điểm chờ xe buýt là một cách luyện tập, rèn luyện sức khỏe.

Chị Nguyễn Thị Kiều Ngân, cán bộ Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Do phải đi bộ từ nhà ra bến xe buýt một khoảng khá xa, chừng 400 mét nên tôi ngại đi làm bằng xe buýt. Gần 20 năm nay tôi vẫn đi làm bằng xe máy từ thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) tới phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng). Mấy tháng trước tôi đi khám sức khỏe, bác sĩ cho biết một số vấn đề sức khỏe của tôi có nguyên nhân từ việc ít vận động, cần phải tăng cường đi bộ hằng ngày. Tôi đã chuyển sang sử dụng xe buýt khi đi làm, thời gian di chuyển không hơn là bao so với khi đi xe máy mà lại có điều kiện rèn luyện sức khỏe”.

Bên cạnh đó, một số ít hành khách ngại đi xe buýt vì có tâm lý sợ bị móc túi hoặc quấy rối, tuy nhiên, hiện nay, tình trạng này đã giảm mạnh so với thời điểm xe buýt mới đưa vào vận hành. Ngoài ra, công nhân lái xe và nhân viên bán vé cũng được tập huấn kỹ năng xử lý các tình huống nói trên. Hiện nay, 100% xe buýt được lắp đặt camera an ninh và được trung tâm quản lý theo dõi liên tục nhằm hạn chế các hành vi tiêu cực trên xe buýt.

638354882853895807-at2.jpg
Lượng hành khách sử dụng xe buýt ở Hà Nội trong những năm gần đây tăng khá nhanh.

Tháo gỡ tâm lý e ngại

Nhiều người quan niệm rằng, ai là “vua thời gian” thì mới lựa chọn đi xe buýt. Trên thực tế ở các nước phát triển, đi lại bằng phương tiện công cộng nhiều khi còn nhanh hơn so với khi dùng xe cá nhân bởi xe công cộng có tuyến đường riêng, lại rất đúng giờ.

Ở Việt Nam hiện nay, hành khách xe buýt chủ yếu vẫn là học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người ở khu vực ngoại thành; chưa có nhiều hành khách làm việc tại cơ quan, văn phòng hay khu vực nội thành.

Theo một số chuyên gia giao thông, xe buýt phát triển chưa được như kỳ vọng và tình trạng ùn tắc giao thông chưa được giải quyết triệt để có nguyên nhân từ việc phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, và hiện các cơ quan chức năng chưa có biện pháp phát triển cân bằng giữa phương tiện công cộng và phương tiện cá nhân. Sự mất cân bằng đó khiến tình trạng ùn tắc giao thông không thể "hạ nhiệt" và xe buýt bị ảnh hưởng nhiều hơn cả do xe có kích cỡ lớn, bị phương tiện cá nhân bủa vây trên đường dẫn đến việc chậm giờ.

Để thay đổi thói quen giao thông của người dân, các cơ quan chức năng có thể đưa những khẩu hiệu, câu chuyện người thật, việc thật về những cá nhân có ảnh hưởng trong xã hội đã và đang sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại hằng ngày, góp phần hình thành những giá trị mới trong xã hội. Đồng thời, nhà trường và gia đình cũng nên tăng cường giáo dục để học sinh làm quen với khái niệm giao thông xanh, hiểu rõ sự tiện lợi của hệ thống giao thông cộng cộng. Các cơ quan chức năng nên đẩy mạnh mô hình cho thuê xe đạp công cộng và thành lập thêm các điểm cho thuê xe đạp gần trạm xe buýt, giúp người dân tiếp cận xe buýt dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, các cơ quan, công sở, doanh nghiệp nên xem xét đưa nội dung hỗ trợ tiền vé tháng xe buýt vào hoạt động phúc lợi của đơn vị, động viên người lao động sử dụng xe buýt đi làm thay cho xe cá nhân. Cần tháo gỡ tâm lý ngại sử dụng xe buýt để hướng tới một xã hội có hệ thống giao thông công cộng phát triển, hiện đại, văn minh, từ đó tác động tích cực lên rất nhiều hoạt động kinh tế - xã hội khác, đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ môi trường và tránh lãng phí thời gian do tắc đường.

638354882858888319-anh-3.jpg
Chất lượng phục vụ của xe buýt Hà Nội ngày càng được cải thiện rõ rệt, thể hiện sự chuyên nghiệp, thân thiện và văn minh.

Tại Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5-2023, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho rằng, bên cạnh những lợi ích như tiện lợi, linh hoạt thì tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đồng thời là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Ông Khuất Việt Hùng kêu gọi các cấp, các ngành và nhân dân thay đổi tư duy để từng bước chuyển sang đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, bằng xe đạp, xe điện và gắn với đi bộ giúp đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc và bảo vệ môi trường.

Có thể thấy, để tháo gỡ tâm lý ngại sử dụng xe buýt thì cần sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là các cơ quan truyền thông đại chúng nhằm truyền tải thông điệp về văn hóa giao thông, bảo vệ môi trường, lợi ích từ hệ thống giao thông công cộng..., từ đó giúp người dân dần thay đổi thói quen, vượt qua tâm lý e ngại để được thụ hưởng những tiện ích mà vận tải hành khách công cộng mang lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi tâm lý ngại đi xe buýt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.