(HNM) - Xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) nằm trong thung lũng của dãy núi Viên Nam (Vua Bà), nơi tập trung đông các dòng họ Đinh, Quách, Bạch, Hoàng (dân tộc Mường) sinh sống.
Nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, với nỗ lực vươn lên, đời sống của đồng bào Mường nơi đây đã có những chuyển biến tích cực. Đồng thời, những nét văn hóa truyền thống của người Mường được bảo tồn và phát huy giá trị…
Giữ gìn di sản văn hóa
Đối với đồng bào Mường, cồng chiêng được xem như báu vật. Nó gắn liền với từng con người từ khi sinh ra đến khi qua đời và mọi sinh hoạt cộng đồng làng xã. "Một bộ chiêng đầy đủ gồm 12 chiếc, chia thành 3 nhóm gồm: Chiêng dàm, chiêng bồng, chiêng tré, mỗi nhóm gồm 4 chiếc, mỗi chiếc chiêng có tiếng kêu, âm thanh cao thấp, trầm bổng khác nhau. Căn cứ vào hoàn cảnh, sinh hoạt các thể loại để có những bài chiêng đánh thể hiện cung bậc tình cảm phù hợp..." - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Tiến Xuân Đinh Công Long giới thiệu cho khách nghe về văn hóa cồng chiêng của người Mường.
Tuy nhiên, có thời gian, những bộ quần áo Mường ngày càng ít được dùng hơn; tiếng cồng, tiếng chiêng ngày một vắng hơn… trong đời sống thường nhật. Việc bảo tồn văn hóa dân tộc Mường trở lên cấp thiết. Những năm gần đây, nhờ được UBND huyện Thạch Thất quan tâm, có dự án bảo tồn, phát triển môn nghệ thuật này ở các xã có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, môn nghệ thuật cồng chiêng như được tiếp thêm sinh khí, phát triển mạnh mẽ ở Tiến Xuân. Đến nay xã đã tổ chức được 13 đội cồng chiêng, các đội đã tham gia nhiều liên hoan cồng chiêng các dân tộc trong cả nước và giành nhiều phần thưởng. Cùng với bảo tồn văn hóa cồng chiêng, những làn điệu hát sắc bùa ở Tiến Xuân cũng được phát huy. Bên cạnh đó là những trò chơi dân gian như ném còn, bắn nỏ, đánh đu...
Năng động phát triển kinh tế
Từ khi chuyển từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình) về với Thủ đô đến nay, đồng bào Mường ở Tiến Xuân đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của thành phố và huyện. "Bằng các nguồn vốn của thành phố, của huyện Thạch Thất và xã hội hóa, xã đã tiếp nhận trên 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hệ thống lưới điện đã được nâng cấp, xây dựng thêm trạm biến áp, thay thế đường dây bảo đảm phục vụ tốt sản xuất và dân sinh trên địa bàn xã" - ông Đinh Công Long cho biết.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xã Tiến Xuân đã huy động được hàng tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động để bê tông hóa đường làng ngõ xóm. Chỉ trong 5 năm (2009-2014), xã đầu tư trên 11,72 tỷ đồng cứng hóa các tuyến đường liên thôn Gò Chói - Đồng Dâu, Đồng Dâu - Quê Vải, Gò Mè - Miễu, đường xóm Bình Sơn; cứng hóa các tuyến mương... Đến nay, Tiến Xuân có 3 trường học được công nhận chuẩn quốc gia, xã được công nhận chuẩn quốc gia y tế năm 2010; trên 50% lao động được qua đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 3%.
Cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư, từ năm 2009 xã đã quy hoạch một số diện tích canh tác thuộc các thôn Miễu, Đồng Dâu, Đồng Cao, Quê Vải chuyển sang trồng rau sạch và hoa; chuyển đổi 30ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang mô hình trồng dưa chuột xuất khẩu và rau sạch. Ngoài quản lý, bảo vệ và khai thác rừng hiệu quả, mô hình trồng tre Bát độ lấy măng đã được nhân rộng trong nhân dân.
Phát huy lợi thế về đất rừng, các hộ dân còn chăn thả trâu bò, nuôi lợn rừng, gà đồi... Đàn trâu bò trong xã luôn duy trì đạt trên 2.500 con, đàn lợn trên 2 tháng đạt gần 19.500 con. Nhờ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đời sống của đồng bào Mường Tiến Xuân ngày một ấm no. Đến nay, xã đã đạt 14/19 tiêu chí, 5 tiêu chí cơ bản đạt và đang nỗ lực để hoàn thành xã nông thôn mới trong năm 2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.