Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi để thích ứng với "bình thường mới"

Linh Tâm| 15/01/2022 09:27

(HNMCT) - Đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hai năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Du lịch, trong đó dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi của xu hướng du lịch trên thế giới và trong nước. Các loại hình du lịch trở về với thiên nhiên, tăng cường hoạt động ngoài trời, hướng tới việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng được du khách chú trọng. Đây cũng được xem là xu hướng của tương lai, khi nhu cầu giao tiếp, trải nghiệm thực tế càng trở nên cần thiết hơn.

Quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) đang là địa chỉ du lịch trải nghiệm thu hút giới trẻ. Ảnh: Ngô Trần Hải An

Bước ngoặt sau đại dịch

Khi đời sống kinh tế được nâng cao, chất lượng cuộc sống được chú trọng hơn, việc đi du lịch đã trở thành “món ăn tinh thần” và thói quen của nhiều người, nhiều gia đình. Nhưng khi du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển rực rỡ nhất thì đại dịch Covid-19 ập đến, không chỉ ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung, ngành Du lịch nói riêng, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của người dân. Sau thời gian dài, liên tục phải thực hiệc các đợt giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc, nhu cầu đi du lịch của người dân như lực “lò xo” bị dồn nén đã bật tăng trở lại so với những ngày đầu dịch (tháng 3-2020). 

Việc đi du lịch trong trạng thái “bình thường mới” cũng đã khiến du khách phải thay đổi và thích nghi, đó là phải luôn tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế cũng như các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của các địa phương, điểm đến. Và cũng chính từ đại dịch, nhu cầu trải nghiệm của du khách có sự thay đổi rõ rệt khi dịch chuyển từ hình thức du lịch truyền thống sang loại hình trải nghiệm, khám phá thiên nhiên kết hợp với các hoạt động ngoài trời như Trekking (leo núi), hiking (đi bộ đường dài), trail - running (chạy bộ địa hình), camping (cắm trại)... Một xu hướng khác cũng khá phổ biến hiện nay, đó là thay vì đi tập trung trên những chiếc xe 45 chỗ như trước kia, khách du lịch có nhu cầu tự dịch chuyển bằng xe cá nhân hoặc đi theo các đoàn caravan (đoàn khách đi nhiều xe) nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc đông người mà vẫn bảo đảm tính kết nối giữa các thành viên thông qua hệ thống bộ đàm. 

Du lịch trải nghiệm ngoài trời đang ngày càng phổ biến, không chỉ với giới trẻ mà còn mở rộng sang cả đối tượng khách ở lứa tuổi trung niên và trẻ em, đặc biệt với loại hình cắm trại hay chạy bộ. Nhiều gia đình hiện nay lựa chọn xu hướng tự đi du lịch mỗi cuối tuần, theo hình thức cắm trại hoặc nghỉ dưỡng tại các resort mang tính riêng tư, khép kín nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch. Với loại hình trekking, hiking cũng tương tự, khi lứa tuổi trung niên cũng tham gia các loại hình này ngày càng tăng. “Điều này cho thấy nhu cầu trở về với thiên nhiên và rèn luyện sức khỏe đang ngày càng được đối tượng khách trung niên quan tâm nhiều hơn sau đại dịch. Ngay cả với giới trẻ, nếu như trước đây, họ thường đi “phượt” một cách ồ ạt, thì nay có xu hướng “lắng” hơn và thiên về khám phá văn hóa, thiên nhiên với những trải nghiệm sâu sắc”, CEO Công ty TNHH Wetrek Retail Trần Hùng chia sẻ.

Lý giải cho việc vì sao loại hình du lịch trải nghiệm kết hợp với các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là loại hình trekking đang ngày càng có sức thu hút lớn với khách du lịch như vậy, Giám đốc Công ty TNHH Fivestar Travel Lương Duy Doanh cho rằng: “Đó là cảm giác hạnh phúc khi vượt qua chính mình để chinh phục những cung đường khó hay những ngọn núi cao hiểm trở. Vượt qua bao khó khăn, thử thách, đổi lại, du khách sẽ nhận được món quà lớn. Đó là phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng không phải lúc nào cũng có thể chạm tới. Sau mỗi chuyến đi, du khách sẽ có thêm những người bạn cùng kỹ năng sinh tồn và những bài học quý giá...”. 

Du khách trải nghiệm trekking núi Bình Xiêm (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Linh Tâm

Để mỗi chuyến đi là một trải nghiệm trọn vẹn

Khác với các loại hình du lịch truyền thống như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp..., loại hình du lịch trải nghiệm với các hoạt động ngoài trời tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ như chấn thương, côn trùng đốt, rắn cắn... Đó là chưa kể, yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng khá lớn đến tốc độ di chuyển của cả đoàn. Từng có trường hợp, do điều kiện thời tiết xấu cùng với việc không luyện tập thể thao thường xuyên, không có kinh nghiệm leo núi nên có đoàn khách đã phải mò mẫm xuống núi cả đêm, và phải tới sáng hôm sau mới xuống đến chân núi. Thậm chí, có trường hợp bị ngã bong gân nhưng do không có đội cứu hộ chuyên nghiệp nên du khách đã phải “bò” suốt đoạn đường rừng dài 4 - 5km. Còn việc bị côn trùng đốt, vắt bám là những nguy cơ mà những người leo núi thường xuyên gặp phải. Do đó, việc tự trang bị cho mình những kiến thức đi rừng hay các hoạt động thể thao ngoài trời khác là điều cần thiết để có chuyến đi an toàn. 

Để có chuyến đi với những trải nghiệm trọn vẹn, theo CEO Công ty Đi Đi Adventure Nguyễn Đăng Kiên, đơn vị tổ chức cần phải chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật dụng cần thiết, đồ sơ cứu và túi đựng đồ cá nhân, gồm xà cạp chống côn trùng, đèn pin, còi cứu hộ, găng tay, áo mưa, thực phẩm giúp tái tạo năng lượng (chocolate, thanh năng lượng, nước uống...) để bảo đảm an toàn và hồi phục sức khỏe nhanh chóng cho du khách. Bên cạnh đó, các công ty du lịch cần có những tài liệu, clip hướng dẫn, khuyến cáo trước chuyến đi để du khách nắm được các kiến thức cơ bản và kỹ năng sinh tồn nhằm tự bảo vệ bản thân trong suốt hành trình. “Quan trọng hơn, để trải nghiệm trọn vẹn, đơn vị tổ chức cần quan tâm tới cảm xúc của du khách trong suốt hành trình. Hãy để du khách được trải nghiệm trọn vẹn theo khả năng và điều kiện sức khỏe của mình, để họ có thời gian ngắm nhìn, tận hưởng thiên nhiên hay ghi lại những khoảnh khắc đẹp trên đường. Chính những điều đơn giản ấy sẽ đọng lại mãi mãi trong tâm trí du khách”, ông Nguyễn Đăng Kiên chia sẻ.

Mở ra tương lai của ngành du lịch outdoor

Nhờ lợi thế về địa hình đa dạng, phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn, hoang sơ và còn nguyên những giá trị bản địa, Việt Nam được nhiều chuyên gia du lịch đánh giá cao về tiềm năng, lợi thế phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch ngoài trời trong tương lai. Theo CEO Công ty TNHH Wetrek Retail Trần Hùng, hiện nay, xu hướng du lịch ngoài trời đã dần phát triển bài bản, chuyên nghiệp hơn nhờ sự chuyển biến trong tư duy và cách làm của chính quyền và người dân địa phương, điểm đến cũng như khách du lịch. Tại Việt Nam đã xuất hiện xu hướng thay vì xây các khu resort, khách sạn kiên cố, nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng xây dựng các khu campsite (khu cắm trại an ninh, có toilet sạch sẽ) hay glamping (hình thức cắm trại đầy đủ tiện nghi) để du khách có thể cắm trại, ngủ lều... nhưng vẫn hòa mình vào thiên nhiên. “Điều quan trọng là xu hướng du lịch trải nghiệm ngoài trời sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, địa phương và du khách trong việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Trần Hùng nói.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển loại hình du lịch trải nghiệm với các hoạt động ngoài trời tại miền Bắc, Công ty Fivestar Travel hiện đã xây dựng được Bộ sản phẩm du lịch “Vượt lên chính mình” với sự kết hợp giữa loại hình caravan và trekking nhằm đưa tới cho du khách những sản phẩm độc đáo và trải nghiệm khác biệt. Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc công ty chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn đưa ra bộ sản phẩm khám phá trải nghiệm đặc biệt này để thu hút khách du lịch nội địa, tiến tới phục vụ du khách quốc tế trong tương lai, để du khách có thể cảm nhận được một Việt Nam tươi đẹp, an toàn sau đại dịch”.

Để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm ngoài trời đầy mới mẻ và tiềm năng, quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ sự quan tâm, ủng hộ của cơ quan quản lý Nhà nước, ngành Du lịch và sự vào cuộc đồng bộ của địa phương, doanh nghiệp lữ hành và cộng đồng điểm đến. Có như thế, du lịch trải nghiệm ngoài trời mới có đủ lực để bứt tốc càng sớm càng tốt.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch)

“Đây sẽ là xu hướng của tương lai. Tuy đi sau nhưng Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của những “người khổng lồ đi trước” như Trung Quốc và một số nước khác. Các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho mình về chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm thực tế trong quá trình vận hành loại hình du lịch ngoài trời, đồng thời cần tạo những sản phẩm mới lạ, khác biệt để thu hút khách du lịch, qua đó giúp du khách tiếp cận với thiên nhiên nhưng vẫn có những trải nghiệm ấm áp trong mối quan hệ giữa con người với con người - điều mà thời gian qua đã bị dịch Covid-19 làm gián đoạn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi để thích ứng với "bình thường mới"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.