(HNM) - Từ năm 1986 đến nay, Bộ GD-ĐT đã tổ chức 11 lần xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND), Nhà giáo ưu tú (NGƯT) để ghi nhận công lao cống hiến đặc biệt xuất sắc của những người làm nghề dạy học. Năm 2012, lần xét tặng thứ 12 có một số điểm thay đổi so với trước, đặc biệt là với đối tượng nhà giáo đã nghỉ hưu. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý trao đổi rõ hơn về vấn đề này với Hànộimới.
- Sau 26 năm với 11 lần xét tặng, đã có 488 nhà giáo được tặng danh hiệu NGND, 6.166 thầy, cô giáo trở thành NGƯT. Đặc biệt, kể từ lần xét tặng thứ 10, năm 2008, Bộ GD-ĐT đã quan tâm tới đối tượng nhà giáo đã nghỉ hưu. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về quy định này không?
- Năm 2008, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 22/2008/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Theo thông tư này, các nhà giáo nghỉ hưu vẫn thuộc diện được xét. Những nhà giáo lão thành trên 70 tuổi có công lao to lớn, tiêu biểu được xã hội tôn vinh, được giáo giới trong ngành tín nhiệm sẽ được đề nghị xét đặc cách. Ở đây, đặc cách được hiểu là: những nhà giáo lão thành, do quá trình công tác và thời gian công tác trong giai đoạn chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước có thể bị thất lạc hồ sơ, không đủ các thủ tục hành chính chứng minh thời gian công tác trong ngành hoặc chưa hội tụ đủ một số tiêu chuẩn theo quy định; song được địa phương tôn vinh; được giáo giới trong ngành tín nhiệm qua đủ quy trình 4 bước của Hội đồng; đủ số phiếu của Hội đồng xét tặng các cấp. Qua hai lần xét tặng năm 2008 (lần thứ 10) và năm 2010 (lần thứ 11) đã có 466 nhà giáo diện nghỉ hưu được Chủ tịch nước phong tặng với 166 NGND, 300 NGƯT. Trong số này có 312 nhà giáo (114 NGND, 198 NGƯT) thuộc diện đặc cách.
Được tặng danh hiệu NGND, NGƯT là một vinh dự lớn đối với người dạy học. Ảnh: TTXVN |
- Tại sao Thông tư số 07/2012/TT-BGDĐT vừa được Bộ ban hành ngày 17-2-2012 lại có thêm quy định: Nhà giáo nghỉ hưu nhưng vẫn còn tham gia công tác giảng dạy, quản lý mới được xét tặng, thưa ông?
- Trước hết, tôi xin nói rõ hơn về quy định này. Điều 1 mục C của Thông tư số 07/2012/TT-BGDĐT nêu rõ: Nhà giáo của các trường công lập đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia công tác giảng dạy, quản lý (cán bộ, giáo viên, giảng viên cơ hữu) tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập là đối tượng xét tặng. Có nghĩa là, các nhà giáo công tác ở các cơ sở giáo dục đại học đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học theo hợp đồng làm việc với nhà trường công lập nơi nhà giáo công tác trước khi nghỉ hưu, thực hiện nhiệm vụ công tác đúng như giảng viên của nhà trường được đưa vào đối tượng xét tặng, hồ sơ đăng ký xét tặng tại nhà trường đang công tác. Còn các nhà giáo đã nghỉ hưu không tiếp tục tham gia công tác tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân không đưa vào diện xét tặng.
Sở dĩ, quy định về đối tượng xét tặng theo Thông tư 07/2012/TT-BGDĐT khác so với Thông tư số 22/2008/TT-BGDĐT là do ngày 15-4-2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2005; thay thế Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30-9-2005 của Chính phủ. Theo đó, tại khoản 1, điều 62 có quy định "Đối tượng được xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT là những nhà giáo trong các nhà trường, các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và cán bộ quản lý giáo dục". Vì vậy, về đối tượng xét tặng không thể quy định trái với Luật Thi đua, Khen thưởng.
- Như vậy liệu có thiệt thòi cho những thầy, cô giáo nghỉ hưu không tham gia công tác tại các cơ sở giáo dục? Còn đối với đối tượng nhà giáo nghỉ chế độ giữa hai lần xét tặng có được xem xét không, thưa ông?
- Tôi có thể khẳng định, Bộ GD-ĐT luôn luôn quan tâm tới các nhà giáo đã nghỉ hưu có phần công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Thông tư số 22 ban hành năm 2008 được phổ biến rộng rãi đến các nhà giáo nghỉ hưu nhưng không tiếp tục tham gia công tác và các nhà giáo diện xét đặc cách nên hầu hết nhà giáo diện này đã làm hồ sơ đề nghị xét tặng trong hai đợt xét 10 và 11. Nhưng lần thứ 12 này, chúng ta phải thực hiện đúng quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định số 42. Nếu chúng ta tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 22 còn có một bất hợp lý: có trường hợp, lần xét trước, không đủ 70 tuổi nên không được đưa vào diện đặc cách thì sẽ không đủ tiêu chuẩn. Đến lần này, họ đủ 70 tuổi, nếu vẫn giữ chế độ đặc cách, họ sẽ được hưởng tiêu chuẩn đặc cách và có thể sẽ đạt tiêu chuẩn theo diện này. Vì thế, ý kiến của các bộ, ngành, các sở GD-ĐT và cơ sở giáo dục đều thống nhất các đối tượng nghỉ hưu hoặc đặc cách không đưa vào xem xét từ lần xét tặng này và phải thực hiện đúng Luật Thi đua, Khen thưởng.
Với những nhà giáo nghỉ hưu từ ngày 5-4-2010 đến 5-5-2012, tức là khoảng thời gian giữa hai lần làm hồ sơ xét tặng, được sự nhất trí của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thuộc Bộ Nội vụ về việc đưa các nhà giáo nghỉ hưu giữa hai lần xét tặng vào diện xét tặng, Bộ GD-ĐT đã gửi văn bản tới các cơ sở giáo dục bổ sung đối tượng này vào đợt xét năm nay. Hồ sơ của các nhà giáo này đăng ký xét tặng tại đơn vị họ nhận quyết định nghỉ hưu.
- Xin cám ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.