(HNM) -
Mở lớp vì di nguyện của người thầy
Anh Nguyễn Phú Hiệp, sinh năm 1973 trong một gia đình thuần nông xã Đông La, Hoài Đức. Gia đình anh, nội ngoại không ai theo nghiệp giáo viên, cũng không ai am hiểu cổ học, thế nhưng anh lại bén duyên với nghề dạy như một định mệnh. Học hết lớp 7/10, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh phải thôi học để ra đời tìm kế sinh nhai. Thế nhưng lòng hiếu học trong anh thì chưa bao giờ nguội tắt. Năm 1996, nghe tiếng Trường Minh tiên sinh, một cụ đồ Nho nổi danh trong vùng mở lớp dạy Hán học, anh đã tìm đến bái sư học đạo. Thông minh lại chịu khó nên anh hầu như đã lĩnh hội được đầy đủ, sâu sắc tinh hoa cổ học từ người thầy. Song duyên phận ngắn ngủi, anh mới thọ giáo được 7 năm thì thầy mất. Trước khi mất, người thầy cầm lấy tay anh trăng trối: "Đạo học này, nếu ta mang xuống dưới kia thì phí hoài nên ta truyền lại cho con, mong con nối được chí ta…". Lời di nguyện lúc lâm chung ấy in sâu vào tâm trí anh như một kỷ niệm day dứt. Cũng từ đó, anh nung nấu ý định mở lớp Hán Nôm để truyền đạo học.
"Thầy đồ Hiệp" một buổi lên lớp. |
Năm 2010, sau một thời gian dài chuẩn bị, anh Hiệp chính thức mở lớp dạy chữ Hán Nôm cho người dân xã Đông La. Lớp học được mở chính tại tư gia của người thầy, nơi năm xưa anh đến ngồi bên hiên để thọ giáo, như một cách tưởng nhớ người thầy quá cố. Lớp mở vào buổi tối, bắt đầu từ 7h30 đến 10h30 thì nghỉ. Ban đầu, lớp chỉ dạy cho con em trong nhà, dần dần tiếng "thầy Hiệp chữ Nho" lan rộng ra, người ta đua nhau đến lớp để xin học. Không khắt khe trong việc chọn lựa, thế nên học trò của anh trẻ có, già có, công nhân, nông dân có, giáo viên, viên chức cũng có, thậm chí có cả thầy cúng. Không chỉ trong xã Đông La mà người dân các xã lân cận cũng đến xin học. "Nhiều hôm mưa gió tưởng lớp phải nghỉ, thế nhưng mới 7h tối, xe máy đã để chật cả sân, học trò í ới gọi anh lên đứng lớp. Mệt nhưng mà vui", anh Hiệp tâm sự.
Hơn cả việc dạy chữ
Học trò theo học ngày càng đông, anh Hiệp phải chia lớp theo ba cấp: đệ nhất (đã học 5 năm), đệ nhị (đã học 3 năm) và đệ tam (mới bắt đầu học) để giảng dạy cho phù hợp với trình độ. Tương ứng với ba lớp, một tuần anh lên lớp ba buổi: thứ ba đứng lớp đệ nhất, thứ sáu đứng lớp đệ tam, chủ nhật đứng lớp đệ nhị. Thông thường, mỗi lớp có từ 15 đến 20 học trò.
Chương trình dạy được anh mô phỏng đúng theo chương trình cổ học. Lớp đệ tam và đệ nhị học chữ Hán, lớp đệ nhất học chữ Nôm. Theo trình tự, học trò ban đầu sẽ học viết chữ Hán theo sách "Nhập môn cách cú" (do chính anh biên soạn) sau đó học "Tam tự kinh", rồi "Sơ học vấn tân", "Minh đạo gia huấn", "Ấu học ngũ ngôn"… cho đến những quyển cuối cùng là "Kim Vân Kiều truyện", "Đại Nam quốc sử diễn ca", đều là sách của tiền nhân biên soạn. Nhìn chung trong toàn khóa học, tổng số sách mà mỗi học trò học được học khoảng 15 cuốn.
Nội dung của các cuốn sách này phản ánh đầy đủ các mặt con người, nhân quần, xã hội, trị gia, trị quốc, tu dưỡng cá nhân, vì thế cung cấp cho người học một vốn hiểu biết khá toàn diện. Anh Hiệp cho biết, mặc dù tuân theo những bài bản dạy học xưa nhưng anh cũng biên tập lại khá nhiều trong chương trình giảng dạy, lược bớt những tư tưởng không còn phù hợp, bổ sung thêm các yếu tố mới của đời sống hiện đại chứ không rập khuôn máy móc. Ngay cả những cuốn kinh điển của Nho gia, không phải cuốn nào cũng được anh giảng dạy, như trong Tứ thư, anh chỉ chọn Luận ngữ, trong Ngũ kinh chỉ chọn Kinh Thư và một phần Kinh Lễ.
Tùy từng lớp và tùy năng lực của từng người mà anh Hiệp điều chỉnh mức độ dạy học. Như với lớp đệ tam, mỗi buổi chỉ học 32 chữ, nhưng với lớp đệ nhị, con số này là 119 chữ, còn với lớp đệ nhất là 210 chữ. Tất nhiên không phải chữ nào cũng mới. Phương pháp giảng dạy Hán Nôm là nhắc lại và bổ sung nên trong mấy trăm chữ đó, có tới một nửa là các chữ đã học, nhưng được sử dụng trong những bối cảnh khác nhau nhằm rèn luyện cho người học cách vận dụng linh hoạt. Học xong lớp của anh Hiệp, học viên xuất sắc có thể đọc thông viết thạo, xem rộng các sách của người xưa. Người thấp nhất cũng có được một vốn chữ Hán Nôm kha khá, đủ để "chơi chữ". Tuy nhiên đối với anh Hiệp, điều quan trọng nhất của việc giảng dạy không phải chỉ là cho học viên "biết mặt chữ" mà là để truyền tải "đạo thánh hiền". Ấy là lễ nghĩa của con người, là đạo lý ăn ở, ứng xử ở đời, bởi anh quan niệm, con người là gốc, là nền tảng của xã hội, con người thế nào thì xã hội sẽ thế ấy.
Vui buồn nghề "gõ đầu già"
"Người ta thường gọi nghề dạy học là nghề gõ đầu trẻ nhưng với tôi thì phải gọi là gõ đầu già mới đúng", anh Hiệp vui vẻ. Bởi đa phần học trò của anh đều là những người đứng tuổi, trẻ nhất cũng đã trên 30 mà người già nhất cũng gần 70 tuổi. Vậy nên trong lớp học, khi anh Hiệp xưng thầy, có lúc lại phải xưng tôi, có lúc gọi trò là con, có lúc lại phải thưa bác, thưa anh. Tuy nhiên, lớp học không vì thế mà mất đi sự trang nghiêm vốn có. Anh Hiệp xuề xòa trong giao tiếp nhưng lại rất nghiêm khắc trong giảng dạy. Từng có học trò là giảng viên đại học, theo học được một thời gian, nhưng rồi nhận thấy không học được, anh đã "mời về". Có người đã 60, 70 tuổi theo học đã mấy năm, nhưng sức học không tốt, anh sẵn sàng cho "lưu ban" trường kỳ.
Điều trở ngại duy nhất mà anh Hiệp gặp phải trong suốt quá trình giảng dạy của mình ấy là khó lòng theo sát được từng người. Lớp đông, nhiều thành phần khác nhau, có người đến rồi đi, có người bám trụ lại mãi, anh cũng khó lòng bao quát hết được. Mà học Hán Nôm theo phương thức của tiền nhân, vai trò hướng dẫn của người thầy là rất lớn.
Ngày đi làm thợ kiếm tiền nuôi gia đình, tối đến vẫn sẵn sàng lên lớp giảng đến tận đêm khuya, hỏi vì sao chưa bao giờ anh nghĩ đến chuyện thu học phí, anh chỉ cười bảo: "Tôi là người dạy chữ, nhưng chữ không chỉ là chữ, đó còn là lễ nghi, đạo lý, dạy chữ cũng chính là hành đạo, đã là hành đạo thì không nói đến chuyện tiền". Có lẽ chính vì thế mà hình ảnh thầy Hiệp trong mắt mọi người không chỉ là một người dạy chữ đơn thuần mà là một người anh, một người chú, một người bạn thân thiết. "Bản thân tôi cũng là một giáo viên trung học nhưng thực tâm tôi luôn ngưỡng mộ thầy Hiệp, thầy còn trẻ mà đã thông hiểu cả Hán lẫn Nôm, nghe thầy giảng tôi mở mang thêm được nhiều điều lắm", ông Nguyễn Văn Tiến năm nay 69 tuổi, học viên lớp đệ nhất, chia sẻ về người thầy của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.