Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay áo mới cho những con tàu biển

THANH NHỊ| 13/10/2015 19:51

Những con tàu lớn nhất nước sau nhiều hải trình chở dầu thô từ mỏ Bạch Hổ về nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được đưa vào bờ sửa chữa nhỏ, bảo trì máy móc, vỏ tàu. Ngày mai, dặm dài lướt trên mặt biển sẽ nhanh hơn, an toàn hơn nhờ “chiếc áo mới” vừa được mặc vào cho những con tàu ấy…

Tàu PVT Mercury đang nằm trong công trường Nhà máy đóng tàu Dung Quất để bảo trì, sửa chữa


 Kỳ tích bên bờ biển xanh

Qua được cửa bảo vệ khá nghiêm ngặt của Nhà máy đóng tàu Dung Quất, tôi tiếp cận nơi sữa chữa, bảo trì tàu dầu thô lớn nhất Việt Nam mang tên PVT Mercury cũng là lúc trời tròn bóng nắng. Không khí lao động khẩn trương đã cuốn tôi theo công việc của những người thợ “thay áo mới cho tàu”…

Thuyền trưởng tàu dầu thô PVT Mercury và các anh em trên tàu mấy hôm nay “trực chiến” thông tầm nơi chân công trường sửa chữa, bảo trì tàu tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Công trường thênh thang, công nhân tấp nập, tiếng máy ầm ầm, mùi sơn nồng nặc. Để đến được nơi con tàu “khủng” đang nằm dài cho hàng trăm công nhân cạo hàu, sơn quét, cọ rửa, vô dầu mỡ, chỉ có một lối duy nhất là đi theo cầu thang lắp ghép cơ động xuống “âm” 15 mét so với mực nước biển. Khi vừa chạm chân xuống nền bê tông, tôi ngước mắt lên thấy những chiếc tàu cá ngoài khơi đang trên đỉnh đầu mình. Sỡ dĩ có công trường “âm” dưới lòng đại dương là nhờ một bức tường chắn sóng bằng cốt thép vững chắc lắp ghép như hai cánh cửa được kéo ngang qua ngăn không cho nước biển tràn vào để công trường hoạt động. Bởi thế, anh em thủy thủ tàu dầu thô PVT Mercury không gọi nơi sửa chữa tàu là “triền đà” mà gọi là “dốc” – có nghĩa là “cửa” tiếng Anh là door (PV). Khi tàu sửa chữa xong, cánh cửa này được mở ra và nước biển tràn vào, tàu nhổ neo ra khơi.

Thuyền trưởng tàu dầu thô PVT Mercury Hồ Anh Vân bảo rằng: “Những năm trước, việc sửa chữa, bảo trì tàu dầu thô thường phải đưa sang nước ngoài thực hiện. Thế nhưng lần này, chúng tôi đã chọn Nhà máy Đóng tàu Dung Quất để thực hiện vì tin tưởng vào trình độ tay nghề của công nhân ở đây đã đáp ứng được”. Chị Nguyễn Thị Lệ Thu – Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Đông Bắc (TP Quảng Ngãi) – một trong hai doanh nghiệp được chọn tham gia sửa chữa, bảo trì con tàu dầu thô này cho biết: “Công ty xem việc được chọn sửa chữa, bảo trì cho tàu dầu thô lớn nhất Việt Nam ngoài tạo việc làm người lao động còn là cơ hội được cọ xát, học hỏi, nâng cao trình độ tay nghề thi công. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của ngành công nghiệp sửa chữa tàu biển”. Hiện tại, người lao động của Công ty TNHH dịch vụ Đông Bắc được trả 800.000 đồng/ngày làm việc 12 tiếng; 400.000 đồng/8 tiếng bao ăn, ở. Đây là mức thu nhập khá cao nhưng nhìn áp lực công việc, môi trường lao động nặng nhọc, độc hại của nghề này mới hiểu đó chỉ là bù đắp tương xứng.

Thợ lành nghề bảo trì máy tàu dầu PVT Mercury


Vươn ra biển lớn

Con tàu lớn nhất Việt Nam mang tên PVT Mercury chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là hoàn tất việc sửa chữa, bảo trì. Hai màu đỏ, cam được chọn làm màu sơn cho tàu được các anh thợ sơn thuần thục hệt như họa sĩ đang nỗ lực phết lên phủ kín cả con tàu dài 245 mét, rộng 45 mét. Chiếc chân vịt rất lớn được những người thợ hì hục lau chìu, đánh bóng. Có lẽ cực nhất vẫn là các anh kỹ sư máy phải chui vào hầm với chằng chịt đường ống, nồi hơi, bình áp suất… cọ rửa, bắt vít, vô dầu mỡ. Hầm máy tối đen, phải bật bóng điện và sử dụng đèn pin để di chuyển. Tôi theo chân máy trưởng của tàu PVT Mercury Nguyễn Văn Khoái (1985) vào hầm máy – trái tim của con tàu, cảm giác như lạc vào ma hồn trận. Dù cố để ý lắm nhưng tôi cũng không thể tự tìm được lối ra một mình, đành cố gắng chịu đựng chờ máy trưởng Khoái xong việc rồi theo chân “thoát”.

Khắp con tàu, đâu đâu cũng thấy những người thợ hì hục cạo, sơn, lau chùi, vệ sinh. Tại buồng điều khiển máy tàu, máy trưởng Nguyễn Văn Khoái giới thiệu với tôi nguyên tắc cơ bản hoạt động của máy tàu. Anh Khoái bảo: Toàn bộ hệ thống điện của tàu hôm nay do đang ở trên bờ nên chuyển từ dùng máy phát điện sang điện trạm bờ - điện quốc gia (PV). Còn ngoài khơi, bình thường mỗi ngày để con tàu này hoạt động, phải tiêu tốn 3 tấn dầu Diezel. Trong đó, ngoài phục vụ hoạt động máy móc, máy nổ còn cung cấp điện cho kho thực phẩm luôn được làm lạnh ở nhiệt độ 10 độ C đối với rau, củ quả và âm 25 độ C đối với thực phẩm tươi sống. Anh Khoái đưa tôi đi thăm quan kho lạnh và thật bất ngờ, đó là kho lạnh lớn đến choáng ngợp mà lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy.

Thợ sơn của Công ty TNHH DV Đông Bắc đang sơn vỏ tàu


Việc bảo trì, sửa chữa tàu PVT Mercury là tổng thể, kể cả hệ thống còi báo cháy. “Ở trên tàu dầu, yêu cầu tuyệt đối không có khói, lửa bởi vậy những mũi hàn bảo trì phát ra khói thì hệ thống còi báo cháy sẽ tư động hú lên. Các cánh cửa tự động khóa để vô hiệu hóa ngọn lửa có thể lan đi trên tàu” – Anh Khoái giải thích. Vừa dứt câu chuyện tự động báo cháy này thì một hồi còi báo cháy kéo dài vang lên. Ngoài kia đang có thợ hàn lại chốt của két dầu. May mà tôi đã được nghe giải thích về tiếng còi ấy.

Con tàu đã có tấm áo mới


Tàu PVT Mercury vào “dốc” sửa chữa sau đúng 30 tháng hoạt động trên biển. Anh em trên tàu luôn tạo điều kiện tốt nhất cho đội thợ hoàn thành công việc. Thợ làm 3 ca/ngày, anh em tàu cũng cử người luôn bên cạnh động viên, nhắc nhở, giúp đỡ khi họ gặp khó khăn. Thợ sửa chữa và thủy thủ tàu như anh em một nhà. Bởi trong họ ai cũng hiểu sự vui vẻ sẽ tạo ra hưng phấn trong công việc “chăm sóc sức sống” cho con tàu để nó có thêm sức mạnh rẽ sóng vươn khơi, tiếp nối những chuyến hàng dầu thô từ mỏ Bạch Hổ về nhà máy lọc dầu Dung Quất, tỏa sáng niềm tự hào “lọc dầu số 1” Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay áo mới cho những con tàu biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.